Đây chính là câu chuyện khá đau đầu được đưa ra bàn thảo tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018” cho thấy sự bất lực thực sự khi hỏa hoạn xảy ra đối với chung cư cao tầng trên khắp cả nước.
Nói về phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, Phó trưởng Đoàn giám sát chuyên đề PCCC giai đoạn nói trên cho hay, toàn quốc hiện được trang bị tổng cộng 2.227 xe các loại, 922 máy bơm chữa cháy, 211 xuồng, cano chữa cháy, 42 mô tô chữa cháy, cứu hộ...
Thế nhưng, số lượng phương tiện được trang bị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%.
Trong khi đó, bằng kinh nghiệm thực tế trong công tác và từng chỉ huy chữa cháy ở Lào Cai, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc dùng trực thăng chữa cháy là hết sức khó khăn nếu như chỉ dùng nước mà không có công nghệ và hóa chất hỗ trợ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, giải pháp để PCCC trước tiên phải ở chính các nhà cao tầng (thiết kế, trang thiết bị bên trong tòa nhà...), sau đó mới tính đến phương tiện bên ngoài vì "không xe thang nào có thể cao đến hết các tầng của những tòa cao ốc được".
Trong thực tế, hiện nước ta đã có những tòa nhà cao tới 81 tầng (toà tháp Landmark 81 với độ cao 461m). Loại chung cư khoảng 60 – 70m cũng không còn ít. Mà xe thang nhập về, vốn đã thiếu nhưng cũng chỉ lên được tầng 18 đã là... kịch trần (tương đương trên 40m). Hơn nữa, đường sá nước ta tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rất khó khăn di chuyển xe thang vì chật cứng người. Bởi vậy, cần ban hành quy định cứu hộ bằng cách PCCC tại chỗ. Điều này cần được coi là trọng tâm của công tác PCCC nhà chung cư cao tầng.
Tại Hàn Quốc, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong những khách sạn cao tầng đều được trang bị cuộn thang dây cho 2 khách nghỉ/phòng, đặt ngay trên mặt bàn, kèm theo tờ hướng dẫn sử dụng khá cặn kẽ, giúp khách nghỉ đủ kiến thức sử dụng và tự chủ hoàn toàn khi bất trắc xảy ra. Tuy nhiên, tại các chung cư cao tầng, dù là chung cư cao cấp ở nước ta cho đến các khách sạn hiện nay, việc này hầu như còn bỏ ngỏ.
Đây quả là điều rất đáng trách. Hãy tự cứu mình trước khi người khác cứu! Phải coi đó như một biện pháp đương nhiên phải thực hiện khi giao nhà cho người đến ở chứ không phải chuyện có hay không cũng được. Chủ đầu tư cần đưa nó vào giá thành của căn hộ, buộc phải có và cơ quan PCCC phải xem như là một yếu tố bắt buộc nếu muốn bán nhà.
Hiện nay, trong nước đã sản xuất được loại thang dây cuộn nói trên với giá thành không quá cao. Mỗi cuộn thang chỉ dùng được 1 người (kèm 1 em nhỏ) và sau khi tở ra để thoát hiểm xuống mặt đất an toàn thì phải đem ra nơi có chuyên môn kỹ thuật mới cuộn lại được để dùng tiếp cho lần sau. Chỉ cần coi đây như một tiêu chuẩn bắt buộc của chủ đầu tư nếu muốn giao nhà cho người mua được nằm trong quy định và có sự giám sát của các cơ quan chức năng, tin rằng việc đảm bảo an toàn PCCC sẽ có lời giải hiệu quả hơn thay vì tính chuyện xin ngân sách trang bị máy bay trực thăng cứu hỏa - một việc còn rất rất lâu và xa lắm ở đất nước mình mới có thể thực hiện được.