Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không lơ là, chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã và đang chủ động các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (SXH). Nhờ đó, đến nay, số ca mắc SXH tại Hà Nội giảm nhiều nhưng người dân không nên lơ là, chủ quan. SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu không được chữa trị, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.

 Cán bộ y tế phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân tìm diệt bọ gậy tại nhà. Ảnh: Thanh Bình

Sốt xuất huyết rục rịch “vào mùa”
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 182 ca mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong. Hiện số ca mắc giảm nhiều so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 424 trường hợp).
Là một trong những “điểm nóng” về SXH, từ đầu năm đến nay, quận Đống Đa đã ghi nhận 21 trường hợp mắc SXH, phân bổ tại 12/21 phường. Số ca mắc đã giảm 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trên địa bàn quận có 4 ổ dịch tại các phường Khương Thượng, Láng Hạ, Phương Mai và Trung Liệt. Hiện tại các ổ dịch đã được xử lý và không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc mới. Số ổ dịch tăng 3 ổ so với cùng kỳ năm 2019.
Các địa phương cần thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để nhằm khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những BN đầu tiên.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt cho biết, để công tác phòng chống dịch bệnh SXH hiệu quả, quận đã chỉ đạo các phường thường xuyên ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất tại ổ dịch ngay khi phát hiện. Quận cũng yêu cầu các phường tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các phường thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để những khu vực có ca bệnh và ổ dịch, bảo đảm không có ca bệnh thứ phát và không để dịch lây lan rộng trên địa bàn.
Cũng là điểm nóng về SXH, ngay từ đầu năm 2020, cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19, quận Hoàng Mai đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Từ đầu năm đến nay, địa bàn quận ghi nhận 13 ca mắc SXH. Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Xuân Trung cho biết, Hoàng Mai là địa bàn có mật độ dân số cao, nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh SXH có nguy cơ bùng phát. Trước tình hình đó, lực lượng cán bộ y tế dự phòng vừa căng sức phòng, chống dịch Covid-19, vừa tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tăng cường hệ thống giám sát côn trùng, đo chỉ số bọ gậy ở một số nơi có ổ dịch cũ… 
Cảnh giác khi tái mắc sốt xuất huyết
Theo quy luật, ở miền Bắc, dịch bệnh SXH thường phát triển mạnh khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Nhấn mạnh việc SXH có thể mắc lại, TS Nguyễn Kim Thư – Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư phân tích, khi bị nhiễm lại lần thứ 2, cơ thể đã quen với virus nên sản sinh ra kháng thể, tạo ra phản ứng miễn dịch nên có thể xuất hiện biểu hiện lâm sàng nặng. SXH dengue có nhiều mức độ khác nhau. Thời gian ủ bệnh từ 1 – 2 tuần, bệnh nhân (BN) có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, nhức hốc mắt. Ngày thứ 5 mắc bệnh, BN có thể bị xuất huyết, cô đặc máu, tụt huyết áp có thể dẫn tới tử vong. Bác sĩ Thư cũng khuyến cáo, do SXH chủ yếu lây truyền qua đường muỗi đốt nên người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, khơi thông cống rãnh... để muỗi khó có điều kiện sinh sôi, phát triển.
Để chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, bảo đảm trên 90% hộ gia đình được phun hóa chất sát trùng và phấn đấu 100% hộ gia đình được vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Ngoài ra, các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng người dân biết về bệnh SXH và chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay tại hộ gia đình mình.