Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không nên ăn quá mặn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Muối là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình, trong cơ thể của mỗi con người. Tuy nhiên, nếu ăn muối quá nhiều sẽ gây nên những tác hại cho sức khỏe. Vì vậy, việc kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể là điều rất cần thiết.

Theo tính toán, một người trung bình mỗi ngày chỉ cần một lượng muối khoảng 3.300mg. Tất cả các món ăn đều phải có một lượng muối nhỏ nhất định. Muối giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể và có tác dụng hòa tan một số chất. Ngoài ra, natri trong muối cùng với kali, canxi và magiê kết hợp với nước tạo thành một hợp chất gọi là "chất điện phân", có tác dụng "vệ sinh" bên trong cơ thể.
 
 
Không nên ăn quá mặn - Ảnh 1

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
 
 
Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình sử dụng muối không khoa học, hầu hết các bà nội trợ nêm muối theo quán tính chứ chưa có một định lượng cụ thể. Nhiều người quan niệm miễn sao ăn ngon là được và vẫn dùng thêm nước chấm dù món ăn đã được nấu vừa miệng. Chính vì vậy, cơ thể rất dễ mắc bệnh vì... thừa muối. Thông thường, khi ăn quá nhiều muối, cơ thể sẽ có những biểu hiệu cụ thể mà chúng ta dễ dàng nhận biết. Khi cơ thể thừa muối thì thận phải thải chúng ra ngoài bằng đường nước tiểu. Điều này được biểu hiện qua việc đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có màu trắng và trong hơn bình thường. Lúc này, lượng natri trong máu cao hơn mức bình thường và sẽ tạo ra cảm giác khát nước. Đó cũng là lúc cần phải nhanh chóng điều chỉnh lượng muối nạp vào cơ thể.

Sử dụng muối quá nhiều, có thể làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp. Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng hoạt động của hệ renin - angiotensin, dẫn đến tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion natri vào nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp. Ngoài ra, khi ăn quá mặn, muối sẽ làm tăng thải chất khoáng canxi qua đường nước tiểu gây loãng xương. Ăn mặn thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ung thư dạ dày, sỏi thận, thận nhiễm mỡ…

Vì vậy, những người bị tăng huyết áp nên ăn nhạt, chỉ dùng 2 - 3g muối/ngày và hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối. Nên bỏ thói quen dùng thêm bát nước mắm trong bữa ăn, kể cả chấm rau luộc. Những người bệnh suy thận, suy tim phải thực hiện chế độ ăn nhạt tùy theo từng giai đoạn của bệnh; ở giai đoạn nặng phải ăn nhạt hoàn toàn, tức không được sử dụng muối và mì chính trong chế biến cũng như tại bàn ăn, không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.