Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không quyết liệt, nền kinh tế sẽ gánh hậu quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm...

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 18/12. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, chính sách điều hành tiền tệ năm 2014 vẫn phải đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.

Quyết liệt, tự giác tái cơ cấu

Báo cáo của NHNN cho biết, kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng năm 2013 đã cơ bản đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra: Lạm phát được kiểm soát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo và cải thiện đáng kể, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, chất lượng tín dụng được nâng cao, tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế tiếp tục được khắc phục… Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành ngân hàng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa thừa nhận, lợi nhuận ngân hàng năm 2013 vẫn ở mức thấp. Lợi nhuận của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng lũy kế 11 tháng năm nay đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm ngoái. Nếu so sánh với 2010, 2011, mức lãi này chỉ bằng 53 - 64%. Trong đó, 17% các tổ chức tín dụng lỗ so với năm 2012.

 
PVcomBank được thành lập từ sự hợp nhất giữa PVFC và WesternBank. Ảnh: Trần Việt
PVcomBank được thành lập từ sự hợp nhất giữa PVFC và WesternBank. Ảnh: Trần Việt
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả mà NHNN đã đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ. "Tôi vui mừng trước những đánh giá tích cực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều nhiệm vụ nặng nề. Việc đưa nợ xấu về 2 - 3% như Thống đốc hứa trước Quốc hội phải cần sự quyết tâm rất lớn. Các ngân hàng nếu không tự giác tái cơ cấu, NHNN không quyết liệt thì hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ" - Thủ tướng nói.

Việc xóa sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng cũng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, muốn khắc phục sở hữu chéo, các ngân hàng đã cổ phần, trở thành công ty đại chúng cần dứt khoát đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch.

Tiếp tục độc quyền vàng miếng

Thủ tướng yêu cầu, NHNN tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng. Ba điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh trong quản lý thị trường vàng đó là: NHNN vẫn phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng; các ngân hàng thương mại dứt khoát không được huy động, cho vay vàng; không để thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. "Năm 2014, đề nghị NHNN nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh" - Thủ tướng chỉ đạo ngành

Đề cập tới nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bên cạnh thuận lợi, năm 2014 còn nhiều khó khăn, thách thức nên tinh thần chung của cả nước là phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Đây là những vấn đề có ý nghĩa quyết định để phát triển bền vững, duy trì tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Và đây cũng là cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiền tệ gắn chặt với chính sách tài khóa và các chính sách khác; đảm bảo giữ lạm phát năm 2014 ở mức 6,5 - 7%; giữ ổn định tỷ giá; điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

 
"Thời gian qua, toàn ngành ngân hàng đã gánh chịu nhiều búa rìu của dư luận, "tiếng lành thì lặng lẽ mà tiếng dữ thì ầm ào". Cá nhân tôi nghĩ,  nếu chỉ mỗi ngành ngân hàng thì không thể chịu mọi trách nhiệm của nền kinh tế. Ngân hàng là trung gian tài chính, chính sách tiền tệ cần phối hợp với các chính sách khác, cả với hệ thống chính trị mới có thể giải quyết được các vấn đề…".

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV