Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không tăng giá vận tải hành khách trong dịp tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, các bến xe tại Hà Nội đã có kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, nhiều phương án đảm bảo không để hành khách ở lại bến đã được đặt ra. Đặc biệt, năm nay Hà Nội sẽ không chấp thuận việc điều chỉnh giá do các doanh nghiệp đề xuất.

KTĐT - Hiện nay, các bến xe tại Hà Nội đã có kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, nhiều phương án đảm bảo không để hành khách ở lại bến đã được đặt ra. Đặc biệt, năm nay Hà Nội sẽ không chấp thuận việc điều chỉnh giá do các doanh nghiệp đề xuất.

Trái ngược với nhiều bến xe tại TP Hồ Chí Minh đang căng thẳng việc bán vé thì tại các bến xe Hà Nội hoạt động khá bình thường. Bến xe duy nhất là Giáp Bát có các tuyến xe đi các tỉnh phía Nam khách rất lác đác. Được biết, tại bến xe này, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn chục chuyến xe xuất phát đi các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Lâm Đồng, Gia Lai… Theo quy luật từ nhiều năm nay, trước Tết Nguyên đán thì các bến xe ở miền Nam rất căng trong việc đáp ứng xe cho người dân ra Bắc và sau tết thì theo chiều ngược lại. Thường thì từ mùng 8 tháng Giêng trở đi nhu cầu đi xe khách của người dân từ Bắc vào Nam mới tăng mạnh. Điều lạ là từ nhiều năm nay thời điểm trước tết rất ít khách đặt vé đi miền Nam, nhưng tết ra thì nhu cầu khách đến mua vé lại tăng vọt. Vì vậy, dự trù từ trước tết bến đã có phương án bố trí xe cho các tuyến cũng như tăng cường xe dự phòng để khi khách có tăng cao thì đưa xe ra vận hành ngay không bắt khách phải chờ đợi.

Còn theo Công ty Quản lý bến xe (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội), đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào chính thức tăng giá vé. Tuy nhiên, nếu có thì thường các doanh nghiệp sẽ tăng vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, và chủ yếu là các tuyến Vinh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Dự báo lượng hành khách trong các ngày 30, 31-1 và 1-2 (tức 27, 28, 29 tháng Chạp, lượng khách sẽ dồn về bến đông do lao động được nghỉ tết, đây sẽ là thời gian cao điểm trong đợt phục vụ tết. Theo đó, dự kiến lượng khách trong những ngày này sẽ tăng 3-4 lần so với ngày thường, do đó các bến sẽ được tăng cường xe tối đa để giải tỏa khách. Cụ thể, sẽ đảm bảo 5 phút/chuyến xe xuất bến đối với các điểm đến như: Thanh Hóa, Thái Bình, Tuyên Quang, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Bên cạnh vận tải hành khách liên tỉnh, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng cho biết, hiện đã có kế hoạch cụ thể tăng cường xe buýt hoạt động trong thành phố để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết: Trong dịp tết, tổng công ty sẽ bố trí 869 phương tiện phục vụ 48 tuyến, từ ngày 24-1 đến 1-2 ( tức từ ngày 21 đến 29 tháng Chạp) và từ ngày 6 đến  13-2 (tức ngày 4 đến 11 tháng Giêng âm lịch). Bên cạnh đó, để có thể giải tỏa khách trong các ngày cao điểm, sẽ bố trí dự phòng 68 xe mỗi ngày khi lượng hành khách tăng đột biến…

Ngoài ra, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị bố trí phân công, lực lượng điều hành, giám sát trực cơ động theo dõi trên tuyến, kịp thời xử lý sự cố phát sinh trên các tuyến do đơn vị quản lý; đảm bảo an toàn tuyệt đối trên các tuyến xe buýt về công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trên tuyến, giải tỏa các hành vi chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng xe buýt. 

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện đã có nhiều doanh nghiệp vận tải đề xuất xin tăng giá vé xe khách dịp Tết Tân Mão, tuy nhiên để thực hiện chủ trương bình ổn giá cả dịp trước tết của Chính phủ, Sở chưa phê chuẩn đề xuất tăng giá vé của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở đã có công văn vận động các doanh nghiệp không tăng giá vé trong thời điểm hiện nay. Mặt khác, nếu doanh nghiệp tự tiện tăng giá, thì Thanh tra Sở GTVT và các cơ quan chức năng liên quan sẽ có biện pháp xử lý.