Thay đổi hoặc bị đào thải
Tại CEO Talks với chủ đề “Phát triển hệ thống kinh doanh: Trì hoãn hay đổi mới” - TS Tô Nhật - Phó Chủ tịch Tập đoàn AMACCAO đã lấy ví dụ về trường hợp của thương hiệu Nokia để nói về cần thiết phải thay đổi.
Theo TS Tô Nhật, Nokia từng được biết đến là ông lớn số 1 về điện thoại di động. Thế nhưng trong rất nhiều năm, DN này không thay đổi. Và kết cục đến nay thì ai nấy đều biết. Nokia suy thoái trước sự lớn mạnh của một loạt tên tuổi như Apple, Samsung…
“Nếu không thay đổi, doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ bị đào thải”, bởi mọi thứ đều đang vận động không ngừng. Đây là câu chuyện thích nghi với thời cuộc. Đơn cử như tại AMACCAO, những năm qua, chúng tôi cũng phải liên tục mở rộng, đa dạng hoá loại hình kinh doanh. Doanh nghiệp phải như kỳ nhông, thay đổi bản thân liên tục để thích ứng và sinh tồn…” - TS Tô Nhật chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, CEO Lê Xuân Tùng, Founder của thương hiệu thời trang Biluxury, nhấn mạnh mọi thứ đang thay đổi; nếu không có chiến lược, định hình, có quy hoạch và kế hoạch quản trị tốt thì doanh nghiệp tất yếu sẽ thất bại. Vấn đề là cần làm gì để thay đổi mà vẫn an toàn trong bối cảnh kinh tế biến động hiện nay.
Thích ứng linh hoạt với thời cuộc
Theo CEO Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp không thể trì hoãn, mà cần thiết phải đổi mới. Vị CEO này nhấn mạnh: muốn xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, muốn tổ chức tự vận hành cao nhất thì cần quan tâm đến công thức.
Chủ tịch Tập đoàn Novaon cũng chia sẻ về một số giải pháp có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu trong bối cảnh hiện nay. Trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn đến kênh bán hàng và chuyển đổi số.
“Xu hướng kênh bán hàng mới hiện nay là thương mại điện tử. Doanh thu hiện nay từ phương thức này tại Việt Nam mới chiếm 10%, nhưng con số này vẫn chưa thấm vào đâu, và có thể tăng lên thành 30% trong khoảng từ 7 - 10 năm tới” - CEO Nguyễn Minh Quý đưa ra nhận định.
Trong khi đó, để thích ứng với thời cuộc và phát triển bền vững, TS Tô Nhật, Phó Chủ tịch Tập đoàn AMACCAO nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố thương hiệu. Theo vị này, thương hiệu có thể giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần.
“Ở đây là thương hiệu của Công ty chứ không phải “nhân hiệu”, để “vắng mợ thì chợ vẫn đông”, phải để thương hiệu tự bán thì doanh nghiệp mới bền vững…” - TS Tô Nhật chia sẻ quan điểm.
Ở một khía cạnh khác, CEO Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Quỹ đầu tư Việt Nam - Singapore, cho rằng các doanh nghiệp vẫn có thể giữ cái cũ nhưng cần chuyển hoá phù hợp. Theo ông Kiên, doanh nghiệp được phép sai nhưng không được phép thất bại. Việc xây dựng một hệ thống kinh doanh phù hợp để giảm thiểu rủi ro là hết sức quan trọng.
Chủ tịch Quỹ đầu tư Việt Nam - Singapore cũng nhấn mạnh nguồn lực con người rất quan trọng; bởi muốn thay đổi mà không có yếu tố con người thì không làm gì được. Đây cũng là vấn đề mà CEO Lê Xuân Tùng khuyến nghị các doanh nghiệp.
“Vấn đề nhân lực rất quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định sự thành bại. Để xây dựng đội nhóm thiện chiến thì người lãnh đạo phải “đắc quân” và “đắc nhân”, phải chăm lo thật tốt cho đội ngũ nhân viên” - CEO Lê Xuân Tùng bày tỏ quan điểm.
“CEO Talks là chuỗi chương trình toạ đàm do Câu lạc bộ CEO 1983 tổ chức, với mục tiêu tạo cầu nối, chia sẻ tri thức giữa cộng đồng các DN trẻ. Đồng thời, trang bị những nền tảng kiến thức để các CEO có thể áp dụng vào phát triển hệ thống kinh doanh của DN mình. Thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ tiếp tục duy trì tổ chức các CEO Talks với những chủ đề mới, nóng và thiết thực đối với các DN…” - CEO Lê Dung, Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Viện trưởng Viện Doanh Trí.