Không thể chấp nhận dự án luật sơ sài, thời gian ngắn phải sửa

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 3/11, phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm, luật pháp phải phản ánh được thực tế cuộc sống, kiến tạo sự phát triển và chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chất lượng của các dự án luật cuối cùng phải phản ánh được thực tế của cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn của đất nước. “Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật cũng khó lòng đi vào cuộc sống được”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Đề án định hướng tổng thể công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện khác của Đảng. Việc này nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Các định hướng và nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong đề án đã bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng của công tác xây dựng pháp luật. Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng. Cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng đề án. Đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp luật thì cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.
 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Nhấn mạnh cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật. Quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
"Chúng ta không thể chấp nhận dự án luật sơ sài, đưa ra để biểu quyết nhưng một thời gian ngắn phải sửa, không đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Từ đó báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đây là căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hết sức quan tâm việc triển khai nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, đặc biệt là trong năm 2022. Theo tiến độ xác định trong Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian từ nay đến hết năm 2022, trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022, 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Đây là một thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn (khoảng hơn 1 năm) phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần