Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể cứ chậm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một chia sẻ mới đây, ông Atsusuke Kawada - đại diện JETRO Việt Nam đánh giá, điểm mạnh lớn nhất trong môi trường đầu tư của Việt Nam là tình hình chính trị, xã hội ổn định.

Bên cạnh đó, chi phí nhân công rẻ, quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng; ít rào cản về ngôn ngữ và giao tiếp cũng là những điểm mạnh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, một nhận xét mà ông Atsusuke Kawada đưa ra rất đáng để suy nghĩ đó là, mặc dù rủi ro về môi trường đầu tư mà các DN gặp phải đang được cải thiện đôi chút nhưng những thủ tục hành chính và thủ tục thuế tiếp tục được coi là vấn đề Việt Nam cần phải cải tiến nhanh chóng.

Đánh giá về kết quả sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 19/2015/NQ - CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố trong tuần qua cho thấy, không ít văn bản, giấy tờ đã được nhiều bộ, ngành cắt giảm, quy trình, thời gian được rút ngắn nhưng đó mới chỉ là trên tính toán chủ quan, tính toán trên lý thuyết. Còn trên thực tế, DN phản ánh vẫn chưa giảm nhiều như mục tiêu đề ra. Đơn cử như trong báo cáo của Bộ Tài chính về lĩnh vực cải cách thủ tục thuế, với việc áp dụng nhiều biện pháp ở tất cả các lĩnh vực quản lý thuế như: đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, hoàn thuế,… cộng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ thuế điện tử, số giờ nộp thuế đã giảm 370 giờ trong năm 2014; 50 giờ trong năm 2015 (tương đương giảm được 78% số giờ thực tế, vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 đề ra là đến hết năm 2015 mục tiêu là giảm còn 121,5 giờ/năm). Tuy nhiên, kết quả điều tra mới nhất từ phía DN lại cho kết quả khiêm tốn. Theo ghi nhận, thời gian nộp thuế mới chỉ giảm khoảng 20% (tương đương khoảng 110 giờ). Đối với cải cách hành chính về BHXH, mặc dù thời gian nộp BHXH đã giảm nhiều nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu xuống 49,5 giờ như yêu cầu. Đối với cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK cũng trong tình trạng tương tự…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, cải cách hành chính đầu tư không lớn, không phải tốn tiền bạc nhiều mà chỉ cần trách nhiệm, cần ý chí, cần quyết tâm, cần việc làm cụ thể sẽ tạo ra động lực, nguồn lực rất lớn cho phát triển, cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, yếu tố quyết định để đất nước phát triển. Trong khi Việt Nam hội nhập ngày một sâu rộng hơn, thì những kết quả khảo sát thực tế sau hơn 6 tháng triển khai Nghị quyết 19 nói trên cho thấy các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính. Không thể bằng lòng với những kết quả đã làm được.