Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể ép dân giữ tiền đồng thay vì vàng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 15/3, Hội thảo khoa học Thị trường vàng Việt Nam - Những vấn đề đặt ra do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietinbank) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

KTĐT - Ngày 15/3, Hội thảo khoa học Thị trường vàng Việt Nam - Những vấn đề đặt ra do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietinbank) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Giới chuyên gia cho hay: Nếu không đảm bảo giá trị tiền đồng trong ngắn hạn thì không thể ép dân giữ tiền đồng thay vì vàng. Quan trọng là chủ trương của nhà nước thế nào để hợp pháp quyền nắm giữ và khai thác được tài sản này trong dân.

Ngày 15/3, Hội thảo khoa học Thị trường vàng Việt Nam - Những vấn đề đặt ra do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietinbank) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo thu hút đông đảo giới chuyên gia tham dự, trong bối cảnh thị trường vàng nhiều biến động và mỗi quan tâm của người dân về lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Người dân đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng

Trước các áp lực mất giá của tiền ngân hàng, đặc biệt là sự mất giá của USD thời gian qua và sự leo thang của lạm phát hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, ngân hàng trung ương các nước đã điều chỉnh dự trữ ngoại hối quốc gia, chuyển qua mua ròng vàng sau 2 thập kỷ đóng vai trò nguồn cung ổn định cho thị trường.

Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người dân có nhu cầu sở hữu, nắm giữ vàng do tập quán, thói quen sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ và nhu cầu sử dụng vàng làm đồ trang sức. Theo thống kê từ ông Trần Trọng Quốc Khanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Kim hoàn ACB - SJC: “Người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng. Nhu cầu nhập khẩu vàng ở Việt Nam bình quân đạt khoảng 60 tấn/năm trong khi các doanh nghiệp khai thác vàng từ các mỏ vàng trong nước chỉ sản xuất được khoảng 1 - 2 tấn/năm. Nếu không đảm bảo giá trị tiền đồng trong ngắn hạn thì không thể ép người dân giữ tiền đồng thay vì vàng. Do đó, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác vàng, góp phần tăng cung vàng nguyên liệu cho đất nước, giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn vàng nhập khẩu”.

Cũng theo nhận định từ ông Khanh, Nghị quyết 11 của Chính phủ về tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do có thể hiểu việc kinh doanh vàng miếng thời gian tới có khả năng sẽ chỉ giới hạn tại các ngân hàng thương mại (nơi Ngân hàng Nhà nước dễ dàng quản lý tập trung theo ngành). Nếu khả năng này xảy ra, việc kinh doanh mua bán vàng miếng theo nhu cầu của người dân không bị mất đi, thay vào đó phạm vi địa lý diễn ra các giao dịch mua bán vàng miếng sẽ được tập trung tại các ngân hàng thương mại (nơi có khả năng tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh tốt hơn).

Cần có bước trung gian để chu chuyển vàng

TS. Đỗ Thị Thủy, Ủy viên HĐQT Vietinbank cho hay: Cần phải xem xét vấn đề vàng trong mối quan hệ nhân quả, biện chứng với tỷ giá và lạm phát. Căn nguyên cơ bản của cơn sốt vàng diễn ra thời gian qua là lạm phát, do đó, muốn giải quyết vấn đề này cần phải có biện pháp giảm lạm phát để người dân có niềm tin vào đồng nội tệ, bớt đổ xô vào gom giữ vàng, ngoại tệ. “Chúng ta không nên thực hiện các biện pháp có tính chất hành chính, cắt giảm đột ngột, ngăn cấm mua bán vàng… Bởi như vậy sẽ càng làm vàng ra khỏi kênh chính thức, cần có bước trung gian để chu chuyển vàng (hút vàng vào ngân hàng)…”, TS. Thủy nói.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá vàng ở Việt Nam cũng như trên thế giới tác động mạnh tới cả chính trị, kinh tế và xã hội. Vì vậy, quản lý cũng cần phải có chính sách đồng bộ, tránh cực đoan và duy ý chí. Việc lập một sàn vàng quốc gia là cần thiết. Khi đó, Nhà nước có thể quản lý thị trường vàng hiệu quả, tránh những tác động tiêu cực, còn người dân và nhà đầu tư có thêm những kênh lựa chọn để đầu tư hay trao đổi loại hàng hóa đặc biệt này, giống như thị trường chứng khoán hiện nay.

Với đề xuất này, ông Trần Trọng Quốc Khanh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC cho rằng: “Sàn vàng nên là một bộ phận của sở giao dịch hàng hóa, Nhà nước đóng vai trò quản lý tập trung, các ngân hàng/doanh nghiệp là thành viên của sàn vàng. Sàn vàng được điều tiết hoạt động bằng các giải pháp kỹ thuật như: đối tượng tham gia, tỷ lệ ký quỹ; quy mô trạng thái mở cửa qua đêm, dư nợ tín dụng tại sàn và xử lý vi phạm. Ngân hàng Nhà nước xem xét tổ chức thi cấp chứng chỉ kinh doanh vàng cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành vàng, tương tự như chứng chỉ kinh doanh chứng khoán”.

Để phát huy tác dụng của thị trường vàng và ngoại tệ, khi có dấu hiệu mất cân đối cung cầu vàng, ngoại tệ, dẫn đến tâm lý kỳ vọng đầu cơ, theo giới chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp mua bán trên thị trường một cách quyết liệt về cường độ và nhịp độ. Sự can thiệp bằng hành động cụ thể của Ngân hàng Nhà nước về cường độ và nhịp độ sẽ vừa xóa tâm lý kỳ vọng và đầu cơ của thị trường vàng, vừa chứng tỏ khả năng điều tiết và can thiệp thị trường vàng hiện hữu của cơ quan này.

“Đã đến lúc thị trường vàng cần một lời giải căn cơ có tính thị trường, chuyên nghiệp và tạo điều kiện để ổn định, phát triển thị trường tài chính - đó là thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Nhu cầu tích trữ, đầu tư vàng vật chất và tài khoản, cho dù các sàn vàng đã bị đóng cửa vĩnh viên, vẫn còn đó. Vì thế, kênh đầu tư vàng phải được khơi thông, tạo ra dòng chảy cho thị trường vàng dưới sự kiểm soát của Nhà nước…” TS. Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính gợi ý.