KTĐT - Nhìn thoáng qua tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (Caexpo) lần thứ 6, những gian hàng Việt Nam tấp nập nhất phần lớn là hàng thủ công mỹ nghệ.
Giữa muôn trùng sản phẩm Trung Quốc, trong các shop ở Nam Ninh (Quảng Tây) vẫn dễ dàng nhận ra những dép xốp Biti’s, hoa quả sấy khô Vinamit, bánh đậu xanh Gia Bảo, Quê Hương... được bày bán ở những vị trí khá đẹp mắt.
Phân khúc thị trường đa dạng
“Thực phẩm sấy khô của Việt Nam làm từ hoa quả tươi, vị thanh, mát, còn bánh đậu xanh phù hợp với văn hóa uống trà của người Trung Quốc”, ông Hà, chủ một cửa hàng bán lẻ tự chọn trên đường Triều Dương, Nam Ninh, cho biết.
Theo ông Hà, những thực phẩm sấy khô, bánh đậu xanh này đã xuất hiện ở Nam Ninh khá lâu, đầu tiên là theo chân khách du lịch, sau đó được một công ty thương mại Trung Quốc nhập về và phân phối. Lượng tiêu thụ càng ngày càng lớn, nên sắp tới, ông dự định hùn vốn với vài người nữa sang Việt Nam tự tìm nguồn hàng nhập.
Câu chuyện của ông Hà là một thực tế đang diễn ra ở Nam Ninh, bởi trong nhiều cửa hàng trên các con phố đi bộ tấp nập ở thành phố này, luôn dễ dàng bắt gặp những sản phẩm “made-in-Việt Nam” được bày bán ở vị trí khá đẹp và thuận tiện.
Trước hết, chúng ta phải xác định Trung Quốc là một thị trường rất rộng lớn, nhưng trong quan hệ thương mại với Việt Nam có những đặc thù. Ví dụ chúng ta có thể bán sản phẩm ở ngay tại những tỉnh có biên giới với Việt Nam, vì nó rất gần. Thứ hai là, quan hệ biên mậu giữa hai nước cũng được tạo điều kiện, doanh nghiệp Việt Nam vì thế có thuận lợi trong thâm nhập thị trường này.
Thứ ba, ngôn ngữ chúng ta phải tận dụng được. Ví dụ như Nam Ninh, nhiều chỗ chúng ta có thể nói bằng tiếng Việt, kể cả Vân Nam. Đó là những thuận lợi của hàng Việt Nam. Chúng ta phải đưa sang hai loại mặt hàng. Một là về hướng lâu dài, chúng ta phải làm ăn quy củ, tức là đưa hàng chính ngạch, đi vào những mặt hàng chất lượng cao.
Nhưng có nhiều mặt hàng chúng ta cũng có thể tiêu thụ được ngay trước mắt, ví dụ những mặt hàng có chất lượng thấp hơn, không phải không có chất lượng mà là chất lượng thấp hơn. Tôi nghĩ là kể cả hai mặt hàng này, chúng ta phải tiến hành song song. (Ông Đỗ Thắng Hải)
Thực ra, Trung Quốc không phải không có những thực phẩm sấy khô như thế này và các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia... cũng đều có mặt hàng tương tự, nhưng những sản phẩm của Việt Nam vẫn có được một chỗ đứng khá vững.
Lý do bởi Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, với dân số hơn 1,3 tỷ người gồm nhiều nhóm khách hàng khác nhau, từ đó các phân khúc tiêu dùng cũng rất đa dạng.
Đó là cơ hội “kiếm tiền” dễ nhìn thấy cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, như thủ công mỹ nghệ, khi một số thị trường Âu Mỹ đang trở thành bí lối do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây nên.
Nhìn thoáng qua tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (Caexpo) lần thứ 6, những gian hàng Việt Nam tấp nập nhất phần lớn là hàng thủ công mỹ nghệ. Từ những vật dụng nhỏ bé như vòng tay, lược, thìa sừng cho tới bàn ghế chạm trổ rồng phượng, đều được khách tham quan chú ý, hỏi han.
Bà Tiêu, một doanh nhân Trung Quốc đến từ Hồ Bắc, cho biết, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chưa tinh xảo và phong phú chủng loại như một số nước khác, nhưng chất liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất, giá thành cũng phù hợp, nên bà vẫn lựa chọn và có ý định đặt hàng số lượng lớn.
Cũng với lý do này, nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nước đã tham dự từ hội chợ đầu tiên tới nay vẫn tiếp tục quay trở lại để vừa bán lẻ vừa tìm kiếm thêm những đơn hàng mới, mở rộng sản xuất.
"Người Trung Quốc rất sành, họ dùng toàn đồ tự nhiên, như đũa gỗ, lược sừng...", bà Kim Dương, chủ công ty CP nhân đạo Ánh Dương, một trong những doanh nghiệp sản xuất mỹ nghệ ở Hải Phòng đã tham dự đủ 6 lần hội chợ Caexpo, bộc bạch.
Theo bà Dương, không thiếu cơ hội cho hàng Việt, bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc rất lớn và người tiêu dùng nước này không khó tính như ở các thị trường khác. Đó là những đúc rút của bà Dương, đồng thời cũng là nhận định của nhiều doanh nhân Việt đã và đang thúc đẩy công việc kinh doanh ở Trung Quốc.
Chưa biết tận dụng lợi thế
"Người Trung Quốc đi bộ rất nhiều, nên luôn luôn phải giữ cho đôi bàn chân của mình dễ chịu và thoải mái, về điểm này, sản phẩm của Biti’s đáp ứng được", bà Lai Khiêm, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Biti’s chia sẻ về lý do thành công của thương hiệu mình trên thị trường Trung Quốc.
Xuất phát từ đánh giá khách hàng rất thực tế này, sản phẩm của Biti’s đã có mặt trên thị trường Trung Quốc được 15 năm và đang hướng tới đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 sau Pháp.
Không sử dụng các chương trình quảng cáo ồ ạt, Biti’s chọn đưa sản phẩm của mình tham dự các hội chợ triển lãm hoặc bày bán tại các khu thương mại vùng biên. Theo chân những thương nhân Trung Quốc chuyên mua về bán lại, Biti’s thẩm thấu dần và hỗ trợ tích cực cho bạn hàng để có được kênh phân phối tại thị trường này.
Biti’s có thể coi là doanh nghiệp Việt thành công trong chiến lược tự “dấn thân” và xây dựng được hình ảnh thương hiệu ở nước ngoài, đặc biệt là ở thị trường vốn nổi tiếng thế giới từ lâu với những sản phẩm cùng loại giá rẻ.
Tuy nhiên, không phải tất cả những sản phẩm Việt Nam đang bán tại Trung Quốc đều giống như Biti’s tự tìm kênh phân phối, đưa hàng vào, mà phần nhiều là do chính các công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc qua kênh du lịch, tìm hiểu thị trường và tự sang Việt Nam đặt hàng.
Hàng tiêu dùng Việt Nam rất có tiềm năng ở thị trường Trung Quốc. Những thuận lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường khổng lồ này là địa lý, cơ chế chính sách gần tương đồng...
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thể nhảy vào được, doanh nghiệp Việt nên vào khu phía Tây Trung Quốc, như Thành Đô (Tứ Xuyên), ở đó đang rất cần đầu tư, hoặc xuống phía Nam. Nói chung là phải đánh giá đúng khu vực dự định đầu tư cùng khả năng của doanh nghiệp. (Ông Bùi Hồng Phúc, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc)
Nhiều doanh nghiệp Việt đã có đơn hàng ký nhiều năm với các đối tác Trung Quốc nhưng chưa hề một lần tiếp cận trực tiếp thị trường này để tìm thêm đầu ra, mà thụ động ngồi chờ khách hàng tự tìm tới.
Thậm chí, lại có cả những doanh nghiệp chịu khó ra ngoài, tham dự qua các kênh hội chợ xúc tiến thương mại như Caexpo, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội tiếp thị hình ảnh và sản phẩm bởi sự sơ sài và thiếu sót.
Nói về điều này, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết: "Không phải doanh nghiệp nào cũng xác định được tính chất lâu dài, chiến lược của việc tham gia hội chợ.
Nhiều doanh nghiệp cũng mới tập trung nhiều vào vấn đề bán hàng ngay tại hội chợ. Nhiều doanh nghiệp, ngay cách thức trưng bày hàng hóa, lôi kéo người quan tâm đến với gian hàng của mình, rồi cả tài liệu, catalogue, các hành vi giới thiệu cũng còn nhiều vấn đề phải quan tâm.
Chúng ta phải có phiên dịch Trung Quốc, danh thiếp tiếng Trung Quốc thì nó mới giá trị. Chứ nếu đưa tiếng Anh thì có phải người Trung Quốc nào cũng biết được đâu".
Như Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã trao đổi tại đối thoại bàn tròn với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam-Trung Quốc, cơ hội thúc đẩy giao thương có rất nhiều, nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết. 25 tỷ USD dự kiến sẽ đạt được trong 2010, dẫu lớn nhưng vẫn chưa tương xứng với những thời cơ sẵn có.