Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thu tiền đặt cọc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mới đây, biết phía Nhật có quy định mới cấm doanh nghiệp thu tiền cọc của NLĐ, anh Tuấn đã đăng ký đi Nhật để làm đồ gỗ.

KTĐT - Mới đây, biết phía Nhật có quy định mới cấm doanh nghiệp thu tiền cọc của NLĐ, anh Tuấn đã đăng ký đi Nhật để làm đồ gỗ. Được biết, không phải chỉ có Tuấn, nhiều lao động trẻ tại Hà Tĩnh đã đăng ký đi Nhật để làm việc thông qua một số Cty XKLĐ có chức năng đưa lao động sang thị trường này.

Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) thị trường Nhật Bản như ngồi trên lửa bởi phía Nhật ra quy định mới, không cho doanh nghiệp thu tiền đặt cọc đối với người lao động (NLĐ). Trong khi NLĐ mừng, vì giảm được cả trăm triệu đồng chi phí...

Cơ hội lớn cho NLĐ

Lâu nay, NLĐ khi XKLĐ sang Nhật Bản, ngoài chi phí thủ tục lên tới cả trăm triệu đồng, họ còn phải lo một khoản đặt cọc chống trốn từ 5.000 đến 8.000 USD, tùy từng doanh nghiệp (khoản này do doanh nghiệp giữ trong suốt thời gian NLĐ xuất ngoại, nếu bỏ trốn sẽ mất tiền đặt cọc). Bởi thế, nhiều người muốn đi cũng không thể lo được kinh phí.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Thị trấn Trung Tâm, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết: "Tôi muốn đi Nhật từ lâu nhưng chi phí quá cao, vượt ra ngoài khả năng của gia đình". Mới đây, biết phía Nhật có quy định mới cấm doanh nghiệp thu tiền cọc của NLĐ, anh Tuấn đã đăng ký đi Nhật để làm đồ gỗ. Được biết, không phải chỉ có Tuấn, nhiều lao động trẻ tại Hà Tĩnh đã đăng ký đi Nhật để làm việc thông qua một số Cty XKLĐ có chức năng đưa lao động sang thị trường này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Nghệ An và Hà Tĩnh là hai địa phương có số lao động đăng ký đi tu nghiệp tại Nhật vào loại cao cả nước. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, số lao động đăng ký đi Nhật ở hai địa phương này tăng vọt. Ngoài lý do bỏ quy định về đặt cọc, lao động Việt Nam khi đi tu nghiệp tại Nhật được đối xử như lao động bản địa.

Lo mất thị trường

Trái ngược với NLĐ, các doanh nghiệp XKLĐ tỏ ra lo ngại. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) - một trong những đơn vị XKLĐ thị trường Nhật Bản cho biết, việc không thu tiền đặt cọc mới được thực hiện trong 4 tháng nhưng chắc chắn sẽ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

"Có thể lúc này lao động mới sang Nhật đang còn bỡ ngỡ, nhưng sau 3 năm, khi hết hạn hợp đồng, điều gì sẽ xảy ra. Ai dám chắc lao động sẽ không bỏ trốn ra ngoài khi không có ràng buộc nào với doanh nghiệp đưa họ đi" - Bà Nhàn nói.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện có khoảng 20.000 lao động và tu nghiệp sinh đang làm việc và tu nghiệp tại Nhật Bản. Mức thu nhập bình quân 500 - 600 USD/người/tháng. Thu nhập trong năm thứ 2 và thứ 3 đạt khoảng 700 USD - 800 USD/tháng (chưa tính làm thêm giờ). 

Ông Vũ Công Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) vừa có chuyến thị sát từ Nhật về cho biết, luật pháp của Nhật đã quy định, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ. Hiện, Cty LOD có 750 lao động đang tu nghiệp tại Nhật. Đến thời điểm này, chưa xảy ra sự vụ nào.

Để chống trốn, theo ông Bình, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tìm kiếm được đối tác tốt và có phương pháp quản lý lao động. "Về lâu dài thì không biết thế nào nhưng với nhu cầu việc làm hiện nay tại Nhật, lao động khó có thể bỏ ra ngoài làm việc" - Ông Bình nói.

Theo một số chuyên gia việc bỏ quy định về đặt cọc là tiến bộ, giúp những người nghèo cũng có thể XKLĐ sang thị trường này. Còn việc các doanh nghiệp lo lắng cũng là dễ hiểu, vì họ mất đi một nguồn thu lớn từ việc chiếm dụng vốn của người lao động.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý và doanh nghiệp XKLĐ cần bàn với phía bạn để có cách quản lý lao động, nếu không với thực tế lao động Việt Nam hiện nay, tỷ lệ trốn sẽ tăng đột biến (hiện tỷ lệ lao động bỏ trốn của lao động Việt Nam tại thị trường Nhật là 2%). Khi đó, các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng rất dễ mất thị trường.