Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu di tích Cổ Loa đón bằng di tích quốc gia đặc biệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vào 20 giờ ngày 14/2 (tức mùng 5 tháng Giêng) UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Sự kiện này được tổ chức nhân Lễ hội Cổ Loa năm Quý Tỵ (mùng 6 tháng Giêng).

Tới dự lễ hội có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Katherine Muller Marin, cùng đông đảo lãnh đạo các ban, ngành và nhân dân địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi lễ: Khu di tích Cổ Loa từng là trung tâm kinh thành, quân thành của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền. Hiện Cổ Loa là di tích thành cổ có niên đại sớm nhất, quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Giá trị lớn nhất của Khu di tích Cổ Loa còn lại đến ngày nay là 3 vòng thành đất, không gian làng mạc truyền thống và cảnh quan môi trường, nếu thiếu một trong những yếu tố này thì khu di tích sẽ mất đi một phần giá trị.

Khu di tích Cổ Loa đón bằng di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1

Quần thể di tích Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích thành phần, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia. Nổi bật trong số này là thành Cổ Loa với diện tích gần 46ha, gồm 3 vòng thành đắp đất (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín, dài gần 16km. Đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2.

Lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê, trong đền còn lưu giữ 5 tấm bia đá và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Bố cục mặt bằng nền đình Cổ Loa (Ngự Triều Di Quy) hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị. Am Mỵ Châu tọa lạc trên khu vực rộng 925,4m2. Ngoài ra, di tích chùa Cổ Loa (Bảo Sơn tự), chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự), đình Mạch Tràng… cũng là những công trình kiến trúc vô cùng độc đáo.

Hiện nay, ba vòng thành Cổ Loa đang chịu nhiều tác động không đáng có, nhiều đoạn thành Trung và thành Ngoại đang bỏ trống nhưng chưa thể trồng cây xanh tạo cảnh quan, không gian và chống xói mòn vì chưa có quy hoạch chi tiết. Hơn nữa, khu di tích Cổ Loa thuộc nhiều đơn vị quản lý, cụ thể: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội quản lý đền thờ vua An Dương Vương, đình "Ngự Triều Di Quy", am thờ công chúa Mỵ Châu và nhà trưng bày. Xã Cổ Loa quản lý ba vòng thành và khu khảo cổ.

Theo Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Khu di tích Cổ Loa nằm trong cụm du lịch trọng điểm Vân Trì - Cổ Loa với các sản phẩm chủ yếu là du lịch thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao bằng di tích quốc gia đặc biệt của khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa cho đại diện UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và UBND xã Cổ Loa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cùng với chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch quản lý, thực hiện chương trình quảng bá để di tích xứng tầm với giá trị đặc biệt của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; bảo vệ di tích trước sự xâm hại của thiên nhiên và của con người; tuyên truyền cho nhân dân hiểu thêm về giá trị của di tích để cùng với chính quyền góp phần bảo vệ di tích.