Ghi nhận của PV Lao Động chiều 18/5 cho thấy, dù có hiện trạng xuống cấp, ẩm ướt thế nhưng nhiều căn nhà tập thể cũ Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang được nhiều chủ nhà rao hơn 60 triệu đồng/m2 khiến người mua không khỏi bất ngờ.
Anh Trần Văn Hiếu (sinh sống ở khu tập thể Tô Hiệu, quận Cầu Giấy) thông tin, dù hiện trạng xuống cấp, thế nhưng, khu nhà tập thể Tô Hiệu gần đây đang được nhiều người dân tìm mua vì nằm ở quận trung tâm, đầy đủ tiện ích như trường học, chợ dân sinh, trung tâm thương mại...
Anh Hiếu chia sẻ thêm, hồi cuối năm 2023, giá nhà tập thể tại đây chỉ dao động trong khoảng 45-50 triệu đồng/m2 thế nhưng đến nay đã tăng vọt lên 50-60 triệu đồng/m2.
"Nhiều căn nhà tập thể cũ tại đây có diện tích sổ 40m2, diện tích sử dụng là 60m2, có giá bán 2,65 tỉ đồng/căn, tương đương hơn 66 triệu đồng/m2" - anh Hiếu nói.
Tương tự, anh Lê Văn Kiên (rao bán căn nhà tập thể cũ Tô Hiệu, quận Cầu Giấy) chia sẻ, do không còn nhu cầu sử dụng nên gia đình anh đang rao bán gấp căn nhà tập thể ở mặt ngõ, kinh doanh buôn bán rất sầm uất, ô tô có thể ra vào ngõ thuận tiện.
Theo anh Kiên, căn nhà tập thể đang rao bán có diện tích khoảng 110m2, giá bán 7,2 tỉ đồng, tương đương 65 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Lao Động, dù mức rao bán liên tục tăng cao, hiện vẫn chưa có các dữ liệu cụ thể, giao dịch thực tế phân khúc nhà tập thể cũ Tô Hiệu (quận Cầu Giấy).
Anh Trần Hoàng (môi giới bất động sản tại Hà Nội) cho biết, thời gian qua, thị trường nhà tập thể cũ đang sôi động trở lại với nhiều giao dịch mua bán hơn và mức giá tăng từ 5 - 10% so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, việc các căn hộ tập thể cũ đã xuống cấp được rao bán 40-60 triệu đồng/m2 khiến nhiều người không khỏi hoang mang vì mức giá này đang cao ngang ngửa căn hộ chung cư ở Hà Nội.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Anh - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho biết, trong thời gian vừa qua, phân khúc nhà tập thể cũ gần như đã bị lãng quên bởi chưa có những phương án tối ưu để cải tạo.
Tuy nhiên, sau khi các bộ ngành, TP Hà Nội liên tục có động thái thúc đẩy việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cùng với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã "đánh thức" loại hình này.
"Với những căn nhà tập thể cũ ở các quận trung tâm Hà Nội như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, việc mua bán và thanh khoản thường rất dễ dàng, nhanh chóng, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà tại các khu vực này thường được đẩy lên rất cao" - ông Nguyễn Thế Anh nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Anh cũng lưu ý rằng, người mua cũng cần lưu ý chất lượng nhà ở, việc cải tạo, cơi nới diễn ra phổ biến tại các khu tập thể cũ khiến diện tích thực tế trong sổ đỏ thường nhỏ hơn nhiều diện tích được rao bán...
Trong giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp. 6 khu tập thể cũ có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.