Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch bản giảm nhiệt những lễ hội “nóng”

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Để giảm nhiệt những lễ hội truyền thống vốn “nóng” vì bạo lực, trong mùa lễ hội Đinh Dậu 2017, những người lo công việc hậu cần của mùa lễ hội mới ở chùa Hương, hội Sóc (Hà Nội), cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), Ném Thượng (Bắc Ninh)… đang cật lực cho việc xây dựng những kịch bản giảm hình ảnh phản cảm trong lễ hội.

Ráo riết lo khắc phục
Từ những ngày cuối tháng 12/2016, hàng loạt đơn vị quản lý và tổ chức các lễ hội được cho là điểm “nóng” luôn bị đặt câu hỏi: Làm gì để công tác tổ chức lễ hội năm nay không còn bạo lực, không còn những hành vi trục lợi văn hóa, để du khách có một mùa du Xuân tâm linh trong bình yên…? Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) với những ngày cao điểm đón đến nửa triệu lượt khách, năm nay sẽ tăng 57% giá vé đò liệu có tăng chất lượng phục vụ?
Cho dù chưa hứa chắc chắn chùa Hương năm nay hết “cò”, hay hết cảnh loa đài bán hàng ầm ĩ, ngăn chặn hàng quán căng bạt phủ đầy không gian di tích, nhưng Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, suối Yến sẽ không còn cảnh người đò tay, người đò máy tràn lan. “Chỉ những người làm nhiệm vụ có mặc trang phục làm công vụ thì mới được đi xuồng máy, còn lại dù là khách của Ban tổ chức cũng sẽ đi đò cùng du khách” - ông Hậu cho biết. Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương sẽ điều 13 tổ tuần tra, tiến hành các phương án phân luồng giao thông cả đường bộ và đường thủy. Ngoài ra, để tránh ách tắc đò khi có quá nhiều du khách di chuyển trên suối Yến, Ban tổ chức bố trí một đội CSGT đường thủy để hướng dẫn các đội đò di chuyển đúng khoảng cách. Theo ông Hậu, những lực lượng này được huy động thực hiện nhiệm vụ bất kể đêm, ngày hay 30,  mùng 1 Tết. Tăng cường lực lượng tuần tra, công khai số điện thoại của Trưởng và Phó Trưởng Ban tổ chức làm số đường dây nóng…, những người tổ chức Lễ hội chỉ mong chùa Hương có một mùa hội sạch tệ nạn, sạch phản cảm; giảm đi những bức xúc cho người đi hội.

Quanh cảnh lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) 2016.         Ảnh: Chiến Công

Sau trận hỗn chiến năm 2015, các nhà văn hóa vẫn không ngừng tranh luận có nên bỏ tục rước và cướp giò hoa tre ở Lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội). “Tục cướp giò hoa tre là một phần nét văn hóa trong lễ hội đã được thừa nhận trong hồ sơ di sản đề nghị UNESCO công nhận Hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Chính vì vậy, năm nay, chúng tôi vẫn giữ tập tục văn hóa này trong ngày khai hội. Năm nay, huyện Sóc Sơn sẽ vẫn tăng cường lực lượng công an cùng 200 thanh niên, hàng trăm quân nhân đến từ các xã thành vòng lớn bảo vệ lễ vật. Với lực lượng bảo vệ dày đặc này, chúng tôi hy vọng cướp lễ vật sẽ có tổ chức” – ông Nguyễn Nam Nho – Giám đốc Ban quản lý đền Sóc cho biết. Lễ hội đền Sóc 2017 sẽ khai mạc vào 7 giờ ngày 2/2 (tức mùng 6 tháng Giêng) và kết thúc ngày 4/2 (tức mùng 8 tháng Giêng) bằng các hoạt động: Đánh trống hội, đọc văn tế, lễ rước và lễ tế của các thôn làng…
“Du khách đến Hội cướp Phết ở Hiền Quan (Phú Thọ) sẽ không còn được tự do tranh cướp, mà chỉ có người dân địa phương trong hàng rào tham gia tranh cướp” – đó là khẳng định của ông Nguyễn Đắc Thủy – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, ở Phú Thọ cũng đề xuất thay đổi hình thức tổ chức hình ảnh phản cảm đập đầu trâu trong Lễ hội Cầu trâu đến chết bằng cách đập trình diễn với búa cao su để mang tính tượng trưng. Bên cạnh Hà Nội, Phú Thọ, tỉnh Nam Định, Lào Cai, Bắc Ninh… cũng đã lên kịch bản cụ thể cho các lễ hội bị coi là “nóng” nhằm giảm tình trạng bạo lực, phản cảm.
Lỗi tại phục dựng
Lý giải cho những hình ảnh lệch chuẩn văn hóa trong lễ hội, TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Đó là hệ quả của một thời kỳ đứt quãng lễ hội trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Đến những năm đầu thế kỷ XX, các địa phương thi nhau phục dựng lễ hội, nhưng do quá trình nghiên cứu không kỹ nên có nhiều thứ không có trong lịch sử lễ hội làng đó mà vẫn được phục dựng”. Bà Lý nêu bằng chứng cụ thể trong Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh): “Lúc đầu, người dân làng Ném Thượng nhất quyết giữ tục chém lợn giữa sân đình. Chúng tôi đưa ra được văn bản còn lưu trong Viễn Đông Bác Cổ không có lễ rồi xông vào chém máu me như thế mà chỉ có thịt lợn dâng lễ. Do đứt gãy thực hành văn hóa nhiều năm, sách vở lại bị mất nhiều nên khi thực hành lại sẽ có những sai lạc. Vì thế, cần phải nghiên cứu sâu để vận động họ thực hành đúng văn hóa”. Để nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, bà Lý cho rằng chỉ có cách thuyết phục mới có thể khiến cộng đồng thay đổi nhận thức. Việc đó cần được thực hiện trên cơ sở rất hiểu người dân, rất hiểu tập tục xưa qua nghiên cứu kỹ tư liệu.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều tập tục có trong truyền thống của lễ hội nhưng theo các chuyên gia văn hóa, cần phải thay đổi nếu tập tục đó không phù hợp. “Đừng bắt di sản trở lại quá khứ mà làm cho di sản phù hợp với cộng đồng, nên phải chấp nhận sự biến đổi như một cách tự nhiên” - GS.TS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết. Chính vì vậy, mặc dù tục đập đầu trâu trong lễ hội Cầu Trâu Phú Thọ được thực hành trong nhiều thế kỷ trước, nhưng chính quyền vẫn đối thoại với người dân và tìm ra giải pháp thay thế cho các hình ảnh phản cảm. “Tất cả các di sản đều phải thay đổi, không có di sản nào đứng yên 100%. Ở các quốc gia di sản phát triển bền vững nên phải chấp nhận thay đổi với sự phù hợp của cộng đồng” – bà Lý bày tỏ.
Cho dù các địa phương đang xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu, mong muốn sao cho lễ hội ngày càng văn minh. Nhưng để bức tranh tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng đẹp hơn không chỉ phụ thuộc vào công tác hậu cần lễ hội mà cả còn ở cả ý thức của người đi hội. Nếu nhiều đơn vị tổ chức không có tư duy trục lợi từ lễ hội, du khách đi hội giảm thiểu tâm lý chen lấn xô đẩy, chắc chắn mùa lễ hội sẽ không bao giờ còn “nóng”.
Công tác tổ chức các lễ hội phức tạp như tục chém lợn, tế trâu, đền Trần... đã có xu hướng tốt lên. Tuy nhiên, nhiều lễ hội còn thương mại hóa, trục lợi, không đáng tổ chức mà vẫn diễn ra làm mất ý nghĩa, giá trị văn hóa truyền thống.
 Bộ trưởng Bộ VHTT&DL
Nguyễn Ngọc Thiện
Có những lễ hội khi tổ chức dự khai mạc hầu hết là cán bộ đảng viên, nhưng khi khai mạc xong thì cả ban thờ, lộc đều bị lột xuống lấy. Đã có chỉ thị của Ban Bí thư T.Ư nhưng tinh thần nêu gương, vai trò làm gương của lực lượng này vẫn còn có hạn chế.
Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL
Phạm Xuân Phúc