Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch bản lặp lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 13 năm sau vụ khủng bố ngày 11/9, bất chấp các nỗ lực của Mỹ khi tiến hành các chiến dịch quân sự tại Iraq, Afghanistan…, chủ nghĩa khủng bố vẫn không hề suy yếu.

Ngược lại, sự hồi sinh của al-Qaeda và sự lớn mạnh của một loạt các nhóm Hồi giáo cực đoan như lực lượng thánh chiến "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã khiến Mỹ một lần nữa phải tính toán lại chiến lược an ninh của mình.

Trong bối cảnh hàng trăm ngàn cảnh sát đặc nhiệm được triển khai tại  TP New York nhằm sẵn sàng phát hiện sớm các âm mưu tấn công, chính quyền Mỹ vẫn gấp rút thực hiện các hoạt động đối nội và đối ngoại nhằm thiết lập một liên minh chống IS. Trong bài diễn văn chuẩn bị cho lễ tưởng niệm sự kiện 11/9, Tổng thống Obama nhấn mạnh, nước Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ nhiều tổ chức phiến quân mang tư tưởng của lực lượng khủng bố al-Qaeda, có nguồn tài chính dồi dào với các tay súng thiện chiến, nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, trong đó có các phần tử người nước ngoài. Vì thế, nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược chống lại chủ nghĩa khủng bố, Tổng thống Obama đã tuyên bố với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ rằng, ông không cần được họ cho phép để ra lệnh tiến hành các cuộc không kích vào danh sách mở rộng các mục tiêu bên trong Iraq và đang cân nhắc không kích ở Syria.

Nhằm thực hiện cam kết thành lập một liên minh quốc tế đối phó với IS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thực hiện chuyến công du con thoi tới một loạt các quốc gia Trung Đông. Trong 2 ngày (10 - 11/9), ông Kerry sẽ nhóm họp với Ngoại trưởng Ai Cập, Jordan, 6 quốc gia vùng Vịnh, Iraq tại TP cảng Jeddah của Ả Rập Saudi nhằm thống nhất các biện pháp để liên minh chống IS hoạt động có hiệu quả.

Hiện chưa rõ chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Mỹ sẽ phát huy hiệu quả đến đâu, nhưng có một điều mà các nhà bình luận đang quan ngại là sự lặp lại của kịch bản Afghanistan tại Iraq. Đã 13 năm sau khi Mỹ tấn công vào Afghanistan sau sự kiện 11/9, mối đe dọa khủng bố và tình hình an ninh tại quốc gia Trung Á này vẫn rất phức tạp. Tình cảnh phức tạp tại Iraq kể từ khi Mỹ rút quân năm 2011 và sự trỗi dậy của IS hiện nay cho thấy, rất có thể sự mở rộng của các cuộc không kích là cái cớ hoàn hảo cho một sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây.