Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịch bản nào khả thi cho vấn đề BOT Cai Lậy?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT đã đưa ra 3 kịch bản để giải quyết những vấn đề đang tồn tại ở Trạm BOT Cai Lậy. Trong đó, một trong 3 kịch bản đã được chính cơ quan này đánh giá thấp về tính khả thi.

Kịch bản di dời trạm khó khả thi
Kịch bản thứ nhất là giữ nguyên vị trí hiện nay của Trạm BOT Cai Lậy và cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện việc thu phí để hoàn vốn. Đối với kịch bản này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và ủng hộ dự án. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải cải thiện thêm các dịch vụ để giải đáp thắc mắc cho người dân.

Kịch bản thứ hai là sẽ di dời Trạm thu phí BOT Cai Lậy về tuyến tránh. Kịch bản thứ ba là sẽ tiến hành đặt hai trạm thu phí. Một trên QL1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ. Trạm còn lại đặt trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh. Sau khi báo cáo về 3 kịch bản trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ GTVT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến Dự án BOT Cai Lậy, từ đó nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy ngày 4/12. Ảnh:  Thúy An

Theo dõi tình hình diễn ra tại Trạm BOT Cai Lậy trong thời gian qua có thể thấy vấn đề vướng mắc nhất liên quan đến trạm thu phí này chính là vị trí đặt trạm hiện nay. Phần lớn thắc mắc của người dân đều xoay quanh câu hỏi tại sao trạm không đặt trên tuyến tránh - tuyến đường mà nhà đầu tư xây dựng mới mà lại đặt trên QL1 – tuyến đường hiện hữu được Nhà nước xây dựng và đưa vào sử dụng từ lâu.

Nếu như đối chiếu với 3 kịch bản mà Bộ GTVT báo cáo với Thủ tướng thì kịch bản di dời trạm thu phí về đường tránh sẽ giải quyết được triệt để vướng mắc đó. Tuy nhiên, ngày 5/12, trả lời báo chí về 3 kịch bản vừa được Bộ GTVT đưa ra, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá thấp tính khả thi của kịch bản này. Theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Đông, với kịch bản di dời trạm thu phí về tuyến tránh sẽ phá vỡ phương án tài chính, dẫn đến việc thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu ngân hàng. Ông Đông cho biết với kịch bản này, cần phải tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí.

Bộ GTVT phải cùng gánh trách nhiệm rủi ro

Trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến phản ứng của người dân đối với Trạm BOT Cai Lậy là do trạm thu phí này đặt sai vị trí. Điều này dẫn đến tình trạng phí chồng phí, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của các DN vận tải. Đó chính lý do mà người dân phản ứng quyết liệt với trạm thu phí này như vậy. “Tất nhiên mình cũng không loại trừ khả năng có một vài người kích động. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả phản ứng của người dân đều do bị kích động. Cần phải xác minh, xử lý những đối tượng kích động đó song cũng không thể vì thế mà bỏ qua tất cả dư luận của người dân, tất cả quyền lợi của lái xe” - TS Cao Sĩ Kiêm nói.

Từ nguyên nhân căn bản trên, TS Cao Sĩ Kiêm đánh giá, trong 3 kịch bản mà Bộ GTVT đưa ra thì kịch bản di dời Trạm BOT Cai Lậy về tuyến tránh là phương án khả thi và trọn vẹn nhất. “Kịch bản thứ nhất thì không được. Kịch bản thứ 3 lại càng không được. Nếu theo hai kịch bản này có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, thậm chí sẽ dây dưa, lan tỏa ra các dự án BOT khác. Kịch bản thứ 2 sẽ giải quyết tận gốc vấn đề, đây là phương án khả thi nhất, hợp lòng dân nhất và theo pháp luật thì không sai” - TS Cao Sĩ Kiêm nói.

Về nhận định của lãnh đạo Bộ GTVT khi cho rằng kịch bản di dời Trạm BOT Cai Lậy về đường tránh khó khả thi vì sẽ phá vỡ phương án tài chính, dẫn đến việc thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu ngân hàng, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, đánh giá như vậy là chưa được. Bởi đây là dự án đầu tư theo quy hoạch của Bộ GTVT, do đó nếu trường hợp quy hoạch sai thì kể cả phương án giải quyết có gây rủi ro, thiệt hại cho phía nào, kể cả cho Nhà nước, cho DN hay do người dân thì đơn vị lập quy hoạch cũng phải chịu trách nhiệm về rủi ro đó. TS Cao Sĩ Kiêm nhận định, việc đặt sai vị trí của trạm là do lỗi của quy hoạch và vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong trường hợp này, Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa là đơn vị làm quy hoạch dự án nên khi dự án không khả thi thì Bộ GTVT có trách nhiệm cùng nhà đầu tư chia sẻ thiệt hại, rủi ro. Tuy nhiên, mức độ chia sẻ trách nhiệm cũng cần tính sao cho hợp lý chứ không thể để một mình nhà đầu tư gánh hết hoặc một mình Bộ GTVT gánh hết được.
Trong cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 4/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, hiện nay, Thanh tra Bộ GTVT đang tiến hành kiểm tra về Dự án BOT Cai Lậy theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu phát hiện ai sai phạm, kể cả người sai phạm là Bộ trưởng Bộ GTVT cũng sẽ bị kỷ luật nghiêm.