Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kích cầu để tránh nguy cơ giảm phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước những khó khăn hiện nay, đã có không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc cần cân nhắc một gói kích cầu mới để vực dậy nền kinh tế.

TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính Tiền tệ Quốc gia đã nhận xét:"Chúng ta mừng vì những thành công trong chống lạm phát, nhưng giảm phát nguy hiểm hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc kích cầu tiêu dùng trên cơ sở giám sát chặt chẽ là cách gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp (DN)".

 
Kích cầu để tránh nguy cơ giảm phát - Ảnh 1
 
Nếu thực hiện gói kích cầu nên tập trung vào người tiêu dùng để tăng cầu cho nền kinh tế. Trong ảnh: Khách hàng tham khảo sản phẩm tại Siêu thị điện máy HC.Ảnh: Trần Việt

Cần gói kích cầu đúng nghĩa

Nhìn lại cuối năm 2008, Chính phủ đã áp dụng một loạt chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tổng số tiền dành cho gói kích thích này, theo Bộ KH&ĐT khoảng 143.000 tỷ đồng. Sau 2 năm thực hiện, chúng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, việc hỗ trợ thuế còn bình quân, chỉ tác động đến DN làm ăn có lãi. Trong khi nhiều DN gặp khó khăn, thua lỗ lại không được hưởng ưu đãi... Một số cá nhân đã lợi dụng ưu đãi để trục lợi, thậm chí, có đơn vị đã vay vốn hỗ trợ lãi suất rồi gửi ngân hàng lấy lãi. Đến gói cứu trợ kinh tế năm 2009, thực chất đây là gói kích cung khi nó không nhắm đến người tiêu dùng, để tăng tổng cầu mà nhắm vào DN, tức nhằm tăng tổng cung.

Như vậy, nếu cần thêm một gói kích cầu nữa thì đó phải là gói kích cầu theo đúng nghĩa: Kích thích người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, gói kích cầu này phải được giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả nhằm tránh gia tăng gánh nặng nợ nần và tình trạng đầu cơ với các dự án vay chất lượng thấp. "Nguy cơ tái lạm phát sẽ hiện hữu trong những năm tới, nếu việc sử dụng gói kích cầu là kém hiệu quả và phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng cả về phạm vi và thời gian" - ông Phong nhận xét.

Kích cầu để tạo thị trường đầu ra

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hơn 70% DN cho biết, khó khăn của họ hiện nay không phải là vấn đề lãi suất hay tiếp cận vốn ngân hàng mà là thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Thực tế từ đầu năm đến nay, dù kinh tế khó khăn, song tiền gửi tiết kiệm của người dân lại có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy, do lo lắng bất ổn nên người dân không đầu tư cũng như tăng tiêu dùng. Sức mua yếu, tổng cầu giảm đã khiến hàng hóa của DN sản xuất ra không bán được. Kết quả là tình trạng DN bị đình trệ, co cụm, thậm chí tạm ngừng hoạt động diễn ra ở khắp nơi.

Đồng tình với quan điểm cần phải kích tổng cầu của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tư công của Chính phủ và tiêu dùng của người dân ngay tại thị trường nội địa cần là một trong những giải pháp ưu tiên. Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn trọng để tránh lạm phát quay trở lại. Đơn cử, những công trình đã xây dựng tới 80% thì phải khởi động xây dựng tiếp, có như vậy mới tăng được tổng cầu.

Tại Hà Nội, những giải pháp hỗ trợ các DN kích cầu tiêu dùng cũng đã khởi động. Trước mắt, TP sẽ giúp khoảng 500 DN, đơn vị thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động khuyến mại. Các DN này thuộc các ngành hàng chủ yếu như nhóm hàng thực phẩm - đồ uống - các mặt hàng thiết yếu; nhóm hàng thời trang - dệt may - giày dép; nhóm hàng điện, điện máy - điện tử - máy tính; đồ gia dụng, nội thất gia đình, thủ công mỹ nghệ; ô tô xe máy; nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe - dịch vụ làm đẹp; các dịch vụ khách sạn - nhà hàng - du lịch… TP dự kiến dành cho hoạt động này khoảng 3 tỷ đồng, trong đó huy động xã hội hóa 1,8 tỷ đồng, 1,2 tỷ đồng được trích từ ngân sách.

Tăng tổng cầu, nhưng theo ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, "sưởi ấm" tổng cầu của nền kinh tế nhưng vẫn phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đây là thách thức đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể, công khai và minh bạch".