Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kích cầu tiêu dùng giúp doanh nghiệp vượt khó

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấy thị trường nội địa làm đòn bẩy giúp DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các DN cần đẩy mạnh sản xuất để có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, và tăng cường liên kết, tổ chức các chương trình khuyến mại kích cầu… qua đó thu hút người tiêu dùng, đó là chia sẻ của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khi nói về vấn đề kích cầu thị trường nội địa.

 PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.
Xu hướng khai thác thị trường nội địa

Nhằm tiêu thụ sản phẩm trong dịch Covid-19, nhiều DN đã giảm xuất khẩu hàng hóa, quay trở lại khai thác thị trường nội địa. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?

- Thị trường nội địa đang là mảnh đất màu mỡ cho DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc DN quay trở lại thị trường nội địa và tìm cách chiếm lĩnh thị trường là một trong những nội dung rất cơ bản và quan trọng khi chúng ta nói đến việc phòng chống dịch Covid-19 cũng như tạo động lực cho sự phát triển tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam.

Trong thời gian qua, nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội, giảm nhập khẩu để hạn chế dịch bệnh lây lan nên kim ngạch xuất khẩu không tăng trưởng như mong muốn. Mặc dù thị trường xuất khẩu giảm sút nhưng đây lại là cơ hội cho DN quay về khai thác thị trường nội địa với dân số 100 triệu người, nhiều tiềm năng tiêu thụ hàng hóa cho các DN.

Thị trường nội địa được đánh giá là dễ tiếp cận bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chi phí vận chuyển, thông quan và các chi phí khác như bảo hiểm, bảo lãnh… đều thấp hơn chi phí xuất khẩu hàng hóa. Thứ hai, chúng ta có khả năng tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng bởi nhiều năm qua các cấp, các ngành đang triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên hàng Việt đã được người tiêu dùng chấp nhận.

Kích cầu tiêu dùng để tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, theo ông đây là giải pháp tổng thể hay chúng ta cần triển khai thêm các giải pháp khác?

- Thực ra, kích cầu này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kích thích hoạt động tiêu dùng của người dân. Do đó, việc tiếp tục thực hiện các chính sách kích cầu cũng như hỗ trợ cho người dân, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cũng là một trong những chính sách quan trọng đi đôi với các chính sách hỗ trợ DN.
Tuy nhiên, các hỗ trợ này phải được triển khai ngay và luôn, phù hợp thực tế từ đó giúp người tiêu dùng thấy cần phải tăng chi tiêu, không bó gọn trọng việc mua sắm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Và điều quan trọng là phải làm cho sản xuất phát triển để người dân thấy đời sống cải thiện từ đó tích cực chi tiêu. Khi đó, những gói kích cầu của doanh nghiệp khi đó mới thực sự đến được với người cần và đến được với người đến chi tiêu.

Nếu lấy thị trường nội địa làm đòn bẩy giúp DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các DN cần phải làm gì để khai thác thị trường này?

- Để khai thác thị trường nội địa, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đòi hỏi bản thân các DN phải đẩy mạnh liên kết để có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… qua đó thu hút người tiêu dùng. Nếu DN sản xuất bắt tay với DN bán lẻ triển khai hệ thống phân phối sẽ tạo được thị trường ổn định; DN bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ thông qua xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần cơ quan quản lý hỗ trợ DN mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới có nhiều thay đổi.
Đăc biệt, cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất, hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, các dịch vụ logistics. Cùng với đó, những thủ tục hành chính thành lập DN sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, DN cũng phải chủ động nắm bắt, chuyển hướng kinh doanh, đặc biệt là chuyển kinh doanh số trên các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, để khai thác thị trường nội địa thời kỳ hậu Covid-19, ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước, bộ ngành và các địa phương thì DN bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cần sự hỗ trợ kịp thời

Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ DN như tổ chức giảm giá, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, giãn hoặc khoanh nợ, miễn giảm thuế... Vậy những chương trình này có tác dụng kích cầu tiêu dùng nội địa không thưa ông?

- Trước hết chúng ta đánh giá cao về những biện pháp, động thái hỗ trợ của Chính phủ đổi với DN trong thời gian qua, nhằm bảo đảm an sinh xã hội để người tiêu dùng có được thu nhập để chi tiêu, mua sắm..., đó là một trong những giải pháp kích cầu tiêu dùng.

Khi dịch quay trở lại, Chính phủ đang xem xét giải ngân cho các dự án đầu tư công, đây có thể xem là gói hỗ trợ mới cho DN khôi phục sản xuất thơi kỳ hậu Covid-19. Các gói hỗ trợ này đã có tác động đến sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh... qua đó kích cầu tiêu dùng, kích thích xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tăng lên từ chính DN Việt Nam chứ không từ DN FDI qua đó tăng thu nhập, tăng nhu cầu tiêu dùng của người lao động. Điều này cho thấy, kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất trong nước là hướng đi đúng đắn, đáp ứng được mong mỏi của xã hội và người dân.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN để kích cầu tiêu dùng nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những chính sách chưa đến được với DN. Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm, theo ông cần có những giải pháp khắc phục gì?

- Thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều gói kích cầu sản xuất, tiêu dùng nhưng khi triển khai hoạt vẫn còn hạn chế, thực thi vẫn còn chậm, chưa thỏa mãn được nhu cầu các đối tượng được thụ hưởng. Cụ thể gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vẫn chậm đến các đối tượng được thụ hưởng; hay gói vay 16.000 tỷ cho DN vay để trả lương cho người lao động vẫn chậm giải ngân, thậm chí là không giải ngân được...

Để khắc phục bất cập này thời gian tới, các cơ quan quản lý cần cụ thể phương thức tiếp cận gói hỗ trợ tới DN, để họ có thể giảm được chi phí sản xuất cũng như chi phí không cần thiết. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích cực hỗ trợ các đơn vị bán lẻ tổ chức hoạt động khuyến mãi cho chính sản phẩm DN sản xuất ra. Ở chiều ngược lại, việc kích cầu tiêu dùng cũng sẽ kích thích sản xuất phát triển và khi người dân cảm thấy sản xuất và cuộc sống khá lên sẽ bỏ tâm lý cắt giảm chi tiêu.

Xin cảm ơn ông!

Thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều gói kích cầu sản xuất, tiêu dùng nhưng khi triển khai hoạt vẫn còn hạn chế, thực thi vẫn còn chậm, chưa thỏa mãn được nhu cầu các đối tượng được thụ hưởng.

Cụ thể gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vẫn chậm đến các đối tượng được thụ hưởng; hay gói vay 16.000 tỷ cho DN vay để trả lương cho người lao động vẫn chậm giải ngân, thậm chí là không giải ngân được...