Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kích tăng trưởng tín dụng: Nắn dòng vốn chảy vào kênh đầu tư sản xuất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 20%, tăng hơn 2% so với năm ngoái khiến nhiều ý kiến lo ngại tiền sẽ chảy vào những kênh ngắn hạn, đầu cơ như chứng khoán, bất động sản. Song, phân tích kỹ thị trường hiện nay cho thấy, không dễ để chứng khoán trở thành nơi trú ngụ dễ dãi của dòng tiền.

Ít cá nhân vay vốn ngân hàng để đầu tư
Một tháng trở lại đây, bất chấp các thông tin về nới tăng trưởng tín dụng, vốn ngoại chảy mạnh vào Việt Nam, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục trồi sụt bất thường. Đáng chú ý, thanh khoản giảm mạnh khi giá trị giao dịch mỗi phiên đã giảm xuống 2.000 - 3.500 tỷ đồng, bằng một nửa hồi đầu năm.
 Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán MBS. Ảnh: Phạm Hùng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc thị trường cần giảm tốc sau thời gian dài tăng nóng. Nhưng nhìn một cách toàn diện, dù chứng khoán tăng suốt gần nửa năm qua vẫn chưa trở thành kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm bởi vẫn có không ít người thua lỗ. Sự trồi sụt không theo nguyên tắc cơ bản nào khiến NĐT khó có niềm tin. Đơn cử, trên thị trường có những cổ phiếu của các DN kinh doanh bết bát vẫn có chuỗi tăng trần liên tục, sau đó lại giảm mạnh, nếu NĐT mua theo phong trào những cổ phiếu này vẫn cầm chắc khả năng lỗ vốn. Ngay những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hiện định giá dưới mặt bằng chung của thị trường cũng không tăng giá mạnh bằng những cổ phiếu có "đội lái", có tin đồn thổi bên lề. Vì thế, nếu đặt vấn đề rằng liệu NĐT cá nhân dùng vốn vay từ ngân hàng để đổ vào chứng khoán, câu trả lời là rất ít.

"Góp phần có được dòng tiền mạnh đổ vào TTCK là các CTCK, đặc biệt là nguồn tiền cấp margin cho khách hàng. "Cuộc chơi" này vốn đã được các công ty chuẩn bị từ năm trước với hàng trăm tỷ đồng trái phiếu được phát hành. " - TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế

Vốn từ các công ty chứng khoán vẫn dồi dào

Đề cập đến kênh tín dụng, không thể không nhắc đến dòng vốn đổ vào thị trường qua con đường cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán (CTCK). Liệu có mối tương quan nào giữa việc vốn ngân hàng chảy vào CTCK, sau đó bơm cho các NĐT qua con đường này?

Hiện nay, theo Quyết định 87/QĐ-UBCK quy định về cho vay ký quỹ (margin) có hiệu lực từ tháng 1/2017, các CTCK có thể cung cấp mức cho vay bằng 200% nguồn vốn chủ sở hữu. Với vốn chủ sở hữu của 13 CTCK lớn trên thị trường là 26.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay có thể lên tới 52.000 tỷ đồng, cao hơn 2,5 lần so với tổng dư nợ margin quý I của nhóm công ty này. Thời điểm cuối quý I cũng là lúc thị trường đạt mức giao dịch kỷ lục trên 5.000 tỷ đồng/phiên và duy trì trong thời gian khá dài. Điều này cho thấy, dư địa cho vay của các CTCK còn khá lớn, hay nói cách khác là không gian còn lại của hoạt động cho vay trên vốn chủ sở hữu còn lớn.

Bên cạnh đó, việc cho vay của các CTCK còn chịu nhiều giới hạn khác như tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu. Tổng dư nợ cho vay đối với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của CTCK và không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của tổ chức phát hành. Đồng thời, nguồn vốn của CTCK còn phải đáp ứng cho các hoạt động khác như môi giới, tự doanh… Khi không gian tài chính của các CTCK còn rộng mở, chuyện cầu viện vốn ngân hàng đẩy vào chứng khoán không quá cấp thiết.

Một câu hỏi nữa đặt ra là các thương vụ mua bán cổ phần quy mô lớn, thâu tóm DN thông qua thị trường ngày càng dày đặc gần đây. Nhiều khả năng các NĐT lớn sẽ sử dụng cổ phiếu để cầm cố tại ngân hàng và vay tiền để thanh toán cho các thương vụ mua bán. Đây có thể là một vấn đề cần lưu ý, nhưng với các động thái thắt chặt sở hữu chéo trong ngành ngân hàng gần đây cũng như cảnh báo về rủi ro nợ xấu, các ngân hàng có thể thận trọng hơn nhiều so với kênh này.

Như vậy có thể thấy, tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh, song chứng khoán không hẳn là kênh dễ dàng hút tiền từ khu vực này. Bởi thế, rất nên nắn dòng chảy vốn vào các kênh sản xuất, đầu tư dài hạn và tạo cơ chế thuận lợi cho các DN kinh doanh, sản xuất mở rộng thị trường trong thời gian tới. Có cầu, có thị trường, vốn ngân hàng mới dễ tìm được kênh an toàn, hữu ích cho nền kinh tế.

"Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Cùng đó, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ." - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng