Đặc biệt, ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình 9 Chủ tịch tỉnh để số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tăng cao tới hơn 30%, thì ngay đầu tháng 6/2013 lại liên tiếp xảy ra một loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cướp đi nhiều sinh mạng.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chức năng và những giải pháp của ngành giao thông trong thời gian tới.
Phải giảm được tai nạn giao thông
Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, ông Đinh La Thăng đã gửi lời thăm hỏi gia đình các nạn nhân tai nạn giao thông, đặc biệt là gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình có người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông.
Phân tích về thực trạng tai nạn giao thông 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, mặc dù số người chết tăng 28 người, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng số vụ thì giảm rất sâu, giảm tới hơn 2000 vụ, bằng 14,8%, số người bị thương cũng giảm tới trên 3000 người, bằng 20%.
Ảnh minh họa.
Số liệu đó cho thấy, để giảm thiểu được số người chết, số người bị thương, trước tiên phải giảm được số vụ tai nạn giao thông. Có giảm được số vụ tai nạn giao thông thì mới có cơ hội giảm được số người chết, số người bị thương, thiệt hại về phương tiện, vật chất. Cũng qua đánh giá số liệu đó, chúng ta thấy không phải tất cả các địa phương trong cả nước trong 5 tháng đầu năm đều tăng số người chết, số vụ tai nạn giao thông. Rất nhiều tỉnh, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của địa phương, đã giảm được rất sâu cả ba tiêu chí. Trong khi đó, một số địa phương lại để số vụ tăng cao và số người chết, số người bị thương cũng tăng cao so với cùng kỳ.
Nguyên nhân sâu xa từ quản lý nhà nước
Về nguyên nhân gây tai nạn giao thông, Bộ trưởng nêu rõ: Trong 5 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm, nhưng số vụ tai nạn thảm khốc lại tăng nhiều so với cùng kỳ, đặc biệt là tai nạn xe khách, thì nguyên nhân trực tiếp là từ những người lái xe, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là từ khâu quản lý nhà nước. Đó là việc cấp phép cho các doanh nghiệp, các chủ phương tiện kinh doanh vận tải, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, công tác đăng kiểm đảm bảo điều kiện kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm soát chưa hiệu quả.
Công tác xử lý của các cơ quan nhà nước, của những người thực thi công vụ chưa nghiêm, dẫn đến chuyện “nhờn luật” và cả những dấu hiệu, hiện tượng dung túng, bao che, xử lý không nghiêm, không công bằng đối với những người vi phạm, không đúng lỗi vi phạm, mức độ vi phạm đối với các chủ phương tiện, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Về giải pháp của Bộ Giao thông Vận tải trong việc làm rõ, nâng cao trách nhiệm của những người thực thi công vụ, của ngành giao thông và các lực lượng chức năng, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: Trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong ngành giao thông vận tải đã có quy định trong các luật liên quan.
Theo Bộ trưởng, trách nhiệm đó trước hết là những người thực thi công vụ phải am hiểu về luật pháp, thực thi công vụ một cách nghiêm minh, đúng luật, không dung túng, không bao che, đảm bảo xử lý đúng vi phạm, đúng mức độ. Có như vậy, trách nhiệm của người thực thi công vụ mới rõ. Và để nâng cao được tinh thần trách nhiệm đó, phải có các giải pháp đồng bộ và phải làm thường xuyên liên tục. Trước hết, người thực thi công vụ phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, đặc biệt là tinh thông nghề nghiệp, tinh thông về pháp luật, mới có thể thực thi đúng, người dân mới tâm phục, khẩu phục. Điều quan trọng nữa là phải thực hiện một cách nghiêm minh, dứt khoát phải đưa ra khỏi đội ngũ những người vi phạm về phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, làm trong sạch đội ngũ, có như vậy thì tính nghiêm minh của pháp luật mới được thực hiện.
Kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải
Gần đây, khi phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông tăng cao, nhiều cơ quan chức năng thường đưa ra ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng nói: Đúng là lâu nay khi có các vụ tai nạn giao thông xảy ra, điều đầu tiên một số người nói rằng đó là do ý thức của người điều khiển phương tiện kém. Nguyên nhân trực tiếp là như vậy, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là công tác quản lý nhà nước còn chưa tốt, còn có hạn chế. Người dân giao cho cơ quan quản lý nhà nước quyền hạn, trách nhiệm để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, rồi tổ chức thực thi nghiêm túc. Người dân còn giao cho các cơ quan quản lý nhà nước, những người thực thi công vụ quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cấp phép kinh doanh vận tải. Nhưng tất cả những khâu đó chưa được làm tốt và đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông tăng cao.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng cần tập trung kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải, nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người thực thi công vụ và dứt khoát là đưa ra khỏi đội ngũ những người không đảm bảo phẩm chất, không đảm bảo tinh thông nghiệp vụ và có biểu hiện dung túng bao che cho những sai phạm của lái xe, của chủ phương tiện và của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Người thực thi công vụ phải gương mẫu, nghiêm túc
Trả lời câu hỏi về việc có cần tăng mức phạt hoặc bổ sung thêm hình phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông hay không, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, mức xử phạt phải đảm bảo để người dân có thể chấp nhận được, cũng như để cho người dân tự giác nộp phạt. Chính sự thực thi nghiêm minh của những người thực thi công vụ, thực thi một cách có trách nhiệm, công bằng, công khai, thì sẽ nâng cao được ý thức tham gia giao thông và đặc biệt là sẽ đảm bảo cho tính khả thi của pháp luật.
Chính vì vậy, trong việc chuẩn bị nghị định để triển khai thi hành luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 , chúng tôi đã cho rà soát lại tất cả các nội dung trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Quan điểm của ban soạn thảo là những mức phạt nào cao quá thì phải hạ thấp xuống, giảm bớt những hình phạt bổ sung. Điều quan trọng là những người thực thi công vụ, người xử phạt phải gương mẫu, phải nghiêm túc. Có như vậy, người dân mới tự giác chấp hành nộp phạt, cũng như nâng cao được ý thức người dân. Việc thực thi công vụ một cách nghiêm minh cũng sẽ là một cơ sở để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân./.