Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt chẽ để bình ổn giá thị trường sáu tháng cuối năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để bình ổn giá, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

KTĐT - Để bình ổn giá, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với mặt hàng xăng, dầu, sáu tháng đầu năm, bộ đã nhiều lần quyết định can thiệp, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giảm giá bán theo đúng diễn biến thị trường.

Theo Bộ Tài chính, để thực hiện mục tiêu bình ổn giá thị trường sáu tháng cuối năm, bộ sẽ tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ giá những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng, dầu, lương thực.

Cơ chế giá thị trường sẽ được bộ thực hiện cùng với giám sát việc chấp hành Pháp lệnh giá.

Bộ yêu cầu các Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến thị trường, tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá. Trường hợp bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ thì cần bảo đảm nguyên tắc, chỉ điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý sau khi đã giảm triệt để chi phí sản xuất...

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm 2010 tăng 4,78% so với tháng 12/2009.

Mặc dù giá hàng hóa có xu hướng tăng, song theo Bộ Tài chính, giá cả đã vận động theo đúng quy luật và không xảy ra đột biến.

Trên thị trường, sức mua tăng 20-30% tại khu vực đô thị và 10-15% tại khu vực nông thôn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sáu tháng đầu năm đạt 747.418 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2009.

Để bình ổn giá, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với mặt hàng xăng, dầu, sáu tháng đầu năm, bộ đã nhiều lần quyết định can thiệp, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giảm giá bán theo đúng diễn biến thị trường.

Mặt hàng ximăng, thép xây dựng cũng được đưa vào diện phải đăng ký giá…

Tại các địa phương trên cả nước, 950 tỷ đồng vốn ngân sách đã được trích cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi nhằm dự trữ hàng Tết và phục vụ bình ổn giá.

Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá được thực hiện với quy mô lớn, số vốn vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tới hàng trăm tỷ đồng, kéo dài trong cả năm 2010./.