Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát chặt để đảm bảo an toàn thực phẩm trường học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn thực phẩm trong trường học đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh học sinh.

Để bữa ăn của các em đảm bảo an toàn, không chỉ cần sự vào cuộc của ngành y tế, giáo dục, mà quan trọng hơn là ý thức của những đơn vị cung cấp thực phẩm. Đây cũng là nội dung buổi tọa đàm trực tuyến “An toàn thực phẩm trong trường học” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 29/10.

Mối lo hàng ăn rong

Trước tình trạng xung quanh nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội vẫn bày bán hàng ăn rong mất ATTP khiến phụ huynh lo lắng, ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng Phòng công tác học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có một quy chế phối hợp liên ngành, trong đó có đảm bảo ATTP trong trường học. Tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa được thực hiện đồng bộ lắm, ngành giáo dục chỉ kiểm soát được bên trong khu vực trường học, còn phía bên ngoài lại do cơ quan khác quản lý. Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng thừa nhận, hàng ăn rong dù cấm bán nhưng vẫn tồn tại quanh một số trường học, thậm chí ở một số trường, hàng ăn rong còn len lỏi vào khu vực bên trong trường. Để kiểm soát tốt hơn ATTP, ông Tuấn cho biết, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan công an TP, ngoài việc giữ trật tự, còn đảm bảo ATTP khu vực trường học. 
Quang cảnh buổi giao lưu
Quang cảnh buổi giao lưu
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, các ngành chức năng của TP đã cố gắng hết sức để đảm bảo ATTP trường học. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 30 quy định rõ về điều kiện kinh doanh thực phẩm, đặc biệt cấm bán hàng ăn rong. TP Hà Nội triển khai ráo riết việc thực hiện quy định này. Tuy nhiên, ở đâu đó xung quanh trường học vẫn còn hàng ăn rong, vì vậy, ông Hạnh mong muốn chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn để dẹp vấn nạn này.

Về tình hình kiểm soát ATTP trường học nói chung trên địa bàn, ông Hạnh khẳng định, Hà Nội làm khá tốt. Từ đầu năm đến nay, TP chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học nào, ngoài ra, đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát bếp ăn trường học cũng như các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho trường học.

Đau đầu để cân đối dinh dưỡng

Để suất ăn cho học sinh đảm bảo cả về mặt dinh dưỡng và ATTP, liệu có nên xây dựng một khung giá trần cho mỗi một suất ăn hay không, đây là băn khoăn của nhiều phụ huynh học sinh. Đại diện một công ty cung cấp suất ăn trong trường học, ông Nguyễn Mạnh Hải - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty CP Hương Việt Sinh cho rằng, đây là bài toán đau đầu của DN. Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, việc xây dựng khung giá thành cho mỗi suất ăn là khá cần thiết, thực tế công ty ông đã thực hiện định giá cả và định lượng (số lượng và hàm lượng dinh dưỡng) cho mỗi suất ăn. Tuy nhiên, theo quy định chung của TP,  mức giá trần mỗi suất ăn là 20.000 đồng đang là bài bài toán khó để DN cân đối. “Theo tôi được biết, với mức giá này, rất nhiều đơn vị cung ứng như chúng tôi trên địa bàn TP chấp nhận hòa, thậm chí lỗ, nhất là khi cung ứng cho các trường học có số lượng học sinh thấp. Mức 20.000 đồng theo tôi là quá thấp, rất khó phục vụ. Ở vai trò DN, chúng tôi rất mong mức trần suất ăn này sẽ được cân nhắc, nâng lên trong thời gian tới” - ông Hải nói.

Đại diện phía nhà trường, bà Nguyễn Thị Bích Nga - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy khẳng định, giá tiền cho mỗi suất ăn của học sinh hàng năm đều được nhà trường thống nhất với phụ huynh. Đối với trường Tiểu học Nghĩa Tân, hiện suất ăn đang ở mức 25.000 đồng/suất. “Các suất ăn với số tiền này được nhà trường tính toán kỹ theo giá cả thị trường cũng như định lượng cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của học sinh hàng ngày. Theo tôi, đây là suất ăn phù hợp với học sinh của trường” - bà Nga cho hay.

Để cân đối số lượng và chất lượng thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội đang thí điểm xây dựng suất ăn chuẩn ở một số trường học. Theo đó, mỗi học sinh ở trường học sẽ được đo chiều cao, cân nặng, từ đó tính ra nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho mỗi bữa ăn.

Tăng cường kiểm soát

Để kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm trong trường học, bà Hoàng Thị Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn nữa. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra ATTP trường học, trong đó tập trung kiểm tra việc các đơn vị thực hiện các quy định về ATTP. Thực tế, qua các đợt kiểm tra cho thấy, một số trường chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm cũng như giấy kiểm dịch thú y của gia súc, gia cầm. Ngoài ra, có đơn vị còn vi phạm quy chế lưu mẫu thức ăn, chưa khám sức khỏe định kỳ đầy đủ cho nhân viên chế biến, sản xuất thực phẩm.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục tập huấn cho các trường học trên địa bàn về công tác ATTP. “Chúng tôi xác định, đây là một trong những nội dung quan trọng của ngành giáo dục. Đảm bảo ATTP là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cũng như chất lượng học tập của học sinh” - ông Tuấn nói.

 
Với tư cách là đại diện của ngành y tế, chúng tôi muốn khẳng định một lần nữa, đảm bảo ATTP cho các cháu là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm trực tiếp thuộc ngành giáo dục, y tế. Vì vậy, liên ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, đảm bảo ATTP trong trường học. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần tham gia vào khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm, nhất là Ban phụ huynh học sinh. Với tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, chúng tôi tin rằng, Hà Nội sẽ đảm bảo cung cấp cho các cháu suất ăn đủ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và ATTP.
Ông Hoàng Đức HạnhPhó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội