KTĐT - Bình ổn giá thị trường luôn là vấn đề được mọi người dân quan tâm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 đã tăng 1,05% cho thấy để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% như đề ra đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát giá cả.
Bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo chí về việc điều hành từ nay đến cuối năm.
- Thưa Bộ trưởng, CPI tháng này đã tăng trên 1% và theo quy luật thì 2 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng cao. Vậy chúng ta sẽ có biện pháp kiểm soátnhư thế nào?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Bộ Tài chính đang chỉ đạo quyết liệt ổn định giá, đặc biệt giá lương thực, thực phẩm. Phân tích cơ cấu cho thấy có thời điểm giá lương thực, thực phẩm chiếm một tỷ trọng lớn. Có thực tế là nếu giá lương thực, thực phẩm thấp tuy thuận lợi chung cho xã hội nhưng đời sống người nông dân lại bị ảnh hưởng, còn giá tăng cao quá thì lại ảnh hưởng đến vĩ mô và đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng. Vì thế nên phải giải quyết hài hòa lợi ích của toàn xã hội với lợi ích của một bộ phận dân cư.
- Dự báo sang năm sẽ có biến động về giá, bởi theo lộ trình từ 2011 sẽ điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng như điện, than?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh:Điều chỉnh giá là xu hướng lâu dài phải làm, bởi không thể để giá bao cấp kéo dài làm "méo mó" nền kinh tế. Chẳng hạn, cứnhư hiện nay ngành Điện sẽ lỗ và nhà nước không thể bù lỗ mãi được. Việc điều chỉnh giá phải có lộ trình, việc này đã được khẳng định và phải tính toán để sự tác động tới nền kinh tế, đời sống người dân ở mức thấp nhất. Đó là mục tiêu khi nghiên cứu điều chỉnh giá. Khi điều chỉnh giá điện, sẽ cố gắng hạn chế ảnh hưởng xấu đến người thu nhập thấp. Hướng mà Chính phủ đang thực hiện là hỗ trợ trực tiếp vì hỗ trợ gián tiếp nhiều khi không đạt hiệu quả như mong muốn.
- Thưa Bộ trưởng, vậy các biện pháp cụ thể điều hành giá cả từ nay đến cuối năm thế nào?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Hiện Chính phủ đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp cung cấp hàng hóa đầy đủ. Tiếp đó cần xem xét là hệ thống cung ứng nhà nước, hiện một số mặt hàng Nhà nước không chi phối được, việc tổ chức cung ứng phân phối dễ bị động, việc này đòi hỏi sự phối hợp với các Bộ phải sát sao. Quan trọng nhất là phải cung ứng hàng hóa cho đầy đủ và cân đối hàng hóa.