>>> Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2013
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian bàn thảo các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2013.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tiếp tục giảm 0,06%. Đây là tháng thứ 3 giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay. Và, nếu so với tháng 12/2012, CPI cả nước đến tháng 5 mới tăng 2,35%. Cùng với những biến động của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, nguy cơ thiểu phát đã hiện hữu khi mức tổng cầu xuống rất thấp.
Liên quan đến sự cố mất điện trên diện rộng ở các tỉnh phía Nam vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, đây là sự cố từ trước tới giờ chưa có và hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội. Bên cạnh việc chỉ đạo giải quyết ngay sự cố, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc, toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại. |
Về những lo lắng này, tại buổi họp báo sau phiên họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, lạm phát hay thiểu phát đều gây những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Mặc dù, luồng ý kiến cho rằng nguy cơ thiểu phát hiện hữu đã được phân tích kỹ nhưng cũng có không ít phân tích khác lại chỉ ra rằng nguy cơ tái lạm phát vẫn còn và không được chủ quan. "Lạm phát như sốt nóng, thiểu phát như sốt rét, còn nguy hiểm hơn. Nếu nhớ lại năm 2012 khi CPI giảm mạnh hơn, chúng ta đã lo ngại sẽ có thiểu phát và thậm chí có ý kiến suy diễn rằng sẽ có suy thoái kép, nhưng 1 tháng sau đã thấy nguy cơ lạm phát rõ ràng hơn" - ông Đam chia sẻ và một lần nữa khẳng định: "Tại phiên họp lần này, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2013. Ảnh: TTXVN
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế mà nền kinh tế cần tập trung khắc phục, trong đó nổi lên là cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều gặp nhiều khó khăn; chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo phục hồi chậm do sức mua giảm, tiêu thụ chậm; chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chậm được thu hẹp; tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong việc lý nợ xấu; linh hoạt hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng, đồng thời kiến nghị cho phép tăng phát hành trái phiếu Chính phủ đối với một số dự án giao thông trọng điểm, những công trình đang triển khai dang dở… Tại phiên họp, các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với các DN, nhất là đối với các DN xuất khẩu, các giải pháp tăng cường quản lý giá, đặc biệt là quản lý giá đối với mặt hàng nông sản, các mặt hàng thiết yếu của người dân… cũng được các thành viên Chính phủ tập trung bàn thảo.
Linh hoạt cách làm nhưng mục tiêu không thay đổi
Tình hình kinh tế - xã hội diễn biến đúng như dự kiến điều hành, qua từng tháng, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhích lên, chỉ số giá tiêu dùng thấp xuống. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, tiếp tục bám sát, kiên định các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, song song với việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phải thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng, song phải là tăng trưởng bền vững; không vì tăng trưởng trước mắt mà đẩy lạm phát cao trở lại và làm ảnh hưởng tới tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động của mỗi ngành, mỗi địa phương.
Nói rõ hơn về tính chủ động, linh hoạt này, tại buổi họp báo, khi đề cập đến lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong đó liên quan đến đánh giá tiến trình cổ phần hóa tại các DN này diễn ra chậm, thậm chí nhiều DN xin lùi cổ phần hóa sau năm 2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tinh thần chung của Chính phủ là hết sức khẩn trương, nhưng chặt chẽ, không quá nóng vội để vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu nhưng không để thất thoát tài sản của Nhà nước. Ngược lại, cũng có một số lĩnh vực, một số DN mặc dù thị trường khó khăn nhưng cần thiết phải bán, nếu bán ngay thì không được giá nhưng càng để càng mất giá. Qua đó cho thấy, làm việc này phải hết sức linh hoạt, chứ không áp đặt cứng nhắc, đồng loạt giữa tất cả các DN.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, gắn việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất với đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, quy định liên quan đến hoạt động xuất khẩu; thúc đẩy triển khai các giải pháp mở rộng thị trường; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; áp dụng khoa học công nghệ…
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đề xuất và đồng ý phương án trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án trên QL1A và tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua Tây Nguyên). Tổng giá trị lô trái phiếu này khoảng 58.000 tỷ đồng. |