Theo đó, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Kiên Giang đã phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành nghị quyết bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công trên địa bàn tỉnh, với kinh phí thực hiện 150 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng, sửa chữa được 2.566 căn nhà, tổng chi 120 tỷ đồng, đáp ứng được một phần nhu cầu về nhà ở cho người có công.
Ngoài nguồn vốn ngân sách được bố trí theo đầu tư công, các huyện, thành phố đã vận động xã hội hóa số tiền 70 tỷ đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.
Ông Đặng Hồng Sơn cho biết thêm: các hoạt động đền ơn đáp nghĩa năm 2024 của tỉnh có nhiều nội dung, trong đó hoạt động chính là triển khai, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là triển khai Pháp lệnh ưu đãi người có công và nghị định quy định cụ thể hóa thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, nghị định về các chế độ, chính sách cho người có công. Bên cạnh đó tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, người có công vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ trên địa bàn.
Đồng thời tiếp tục thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; chăm lo sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ như đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hòn Đất; tổ chức 15 đoàn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đi thăm, tặng quà của Chủ tịch nước cho các gia đình chính sách trên địa bàn các huyện, thành phố…