Ngày 14/11, Tổ công tác liên ngành TP về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, karaoke, vũ trường đã có buổi làm việc với các đơn vị chức năng quận Cầu Giấy.
Các cơ sở kinh doanh karaoke trên phố Trấn Thái Tông đã lắp đặt hệ thống thang thoát hiểm. |
Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, đến ngày 13/11, toàn quận có 15/85 cơ sở kinh doanh karaoke đã ngừng hoạt động và chuyển sang kinh doanh các lĩnh vực khác; 70 cơ sở kinh doanh karaoke có phép, trong đó 42 cơ sở được phục hồi hoạt động sau khi đã cải tạo, bổ sung, khắc phục các điều kiện về PCCC và điều kiện về văn hóa theo quy định, 28 cơ sở chưa được phục hồi (27 cơ sở chưa đảm bảo về PCCC; 1 cơ sở đã đảm bảo các điều kiện về PCCC nhưng chưa được kiểm tra lại về điều kiện văn hóa).
Ngoài ra, trên địa bàn quận còn 4 cơ sở đã đầu tư cơ sở vật chất từ trước khi có văn bản chỉ đạo tạm dừng cấp phép karaoke của TP. Trong đó, 3 cơ sở đã được cấp Giấy đăng ký kinh doanh phòng hát karaoke, 1 cơ sở bị phòng Kinh tế quận Cầu Giấy thông báo rút đăng ký kinh doanh nhưng đã đầu tư cơ sở vật chất.Sau buổi làm việc, Tổ liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở được khôi phục hoạt động đã đáp ứng được các yêu cầu về PCCC. Tuy nhiên, qua kiểm tra tổ công tác cũng đã phát hiện và ghi nhận một số điểm bất cập trong quá trình triển khai khắc phục, đảm bảo an toàn tại các phòng karaoke. Điều đáng nói, những bất cập trên xuất phát từ sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.Đoàn công tác kiểm tra việc lắp đặt cửa chống cháy ở lối thoát hiểm trong một có sở kinh doanh karaoke trên phố Trần Thái Tông. |
Cụ thể, tại tất cả các cơ sở kinh doanh đã được khôi phục hoạt động, chủ cơ sở đã lắp đặt cửa chống cháy theo đúng quy định về PCCC. Tuy nhiên, nếu áp theo những quy định về cửa phòng hát theo quy định của ngành văn hóa (cửa phòng hát phải làm bằng kính để người bên ngoài và bên trong có thể nhìn thấy nhau - PV) thì tất cả các cơ sở đều không đáp ứng được. Về vấn đề này, đại diện tổ công tác và lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, sẽ kiến nghị các đơn vị có chức năng xem xét giải quyết phù hợp với quy định, theo hướng tính mạng con người là trên hết.
Theo bà Trịnh Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, đến thời điểm này, nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Thường trực Quận ủy, HĐND, UBND quận, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên, thống nhất của các phòng, ban, ngành chức năng quận và UBND các phường, công tác hướng dẫn tuyên truyền được coi trọng, hiệu quả, công tác quản lý, kiểm tra được tăng cường rõ trách nhiệm. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh được nâng lên rõ rệt. Qua kiểm tra, xử lý, các cơ sở đã chủ động hoàn thiện hồ sơ, khắc phục các lỗi vi phạm theo yêu cầu.Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý được chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh karaoke được thực hiện theo đúng quy định của phép luật. Cụ thể, từ 1/1 – 31/10, các lực lượng chức năng quận đã kiểm tra đột xuất 96 lượt cơ sở, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 46 cơ sở, phạt tiền 888 triệu đồng.Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, UBND quận Cầu Giấy kiến nghị UBND TP, Sở VH&TT Hà Nội xem xét, phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn quận giai đoạn 2018 – 2020 khi UBND quận hoàn thành và gửi văn bản báo cáo. (Theo đề xuất, trong giai đoạn này, quận Cầu Giấy chỉ có 70 quán karaoke - PV).Đối với các cơ sở đã đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo các quy định về PCCC từ trước khi có văn bản chỉ đạo dừng cấp phép mới của TP, UBND quận Cầu Giấy đề nghị Sở VH&TT báo cáo, xin ý kiến UBND TP về việc cấp Giấy phép kinh doanh karaoke đối với các cơ sở đề nghị cấp mới và các cơ sở đề nghị bổ sung phòng hát, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để UBND quận thực hiện.