Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến nghị của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông qua Đại hội Công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên Công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

>> Khai mạc Đại hội XI Công đoàn Việt Nam
 
Kiến nghị của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước - Ảnh 1
Đông đảo các đại biểu về dự Đại hội XI Công đoàn Việt Nam.
 
Tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa X đã trình bày tổng hợp và báo cáo nội dung kiến nghị của CNVCLĐ và tổ chức CĐ do Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã tổng hợp.
 
I. Đối với Đảng:
 
1. Đề nghị Ban Bí thư sớm tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, nguyên nhân và ban hành Chỉ thị hoặc Kết luận về tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết thời gian tới.
 
2. Đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư có qui định phân cấp hợp lý về công tác quản lý, tổ chức, biên chế cán bộ cho tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện để Công đoàn chủ động hơn trong việc tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, thực hiện chính sách chế độ với cán bộ công đoàn các cấp theo quy định của Luật Công đoàn. Bổ sung biên chế cán bộ cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là tại các Liên đoàn Lao động cấp huyện có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, công đoàn các khu công nghiệp tập trung có đông công nhân, lao động nhằm thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012.
 
3. Đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy Đảng có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đảng viên trong công nhân và thành lập tổ chức cơ sở Đảng ở những doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng. Đồng thời đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp cho phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có giải pháp tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ quản lý xuất thân từ công nhân.
 
II. Đối với Quốc hội:
 
1. Đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại Điều 10 trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như dự thảo đưa ra xin ý kiến đóng góp của nhân dân. Điều này đã được Hiến pháp khẳng định trong suốt 55 năm qua và khẳng định bản chất giai cấp của Đảng, vị trí, vai trò nòng cốt đi đầu của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
2. Đề nghị Quốc hội khi xem xét cho ý kiến vào các dự án Luật có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động trình Quốc hội trong nhiệm kỳ XIII cần chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đưa vào dự án Luật những chính sách chăm lo cho công nhân, viên chức, lao động, cụ thể:
 
a. Về dự thảo Luật Việc làm: cần quy định cơ chế, chính sách đảm bảo cho người lao động khi bị mất việc làm được đào tạo và đào tạo lại tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động; Đồng thời quy định thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo hướng thuận lợi, đơn giản và tránh bị lạm dụng.
 
b. Về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
 
Trong thời gian vừa qua, tình hình nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp là rất lớn, gây khó khăn và thiệt hại cả về trước mắt và lâu dài đối với người lao động và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật các vấn đề sau:
 
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội khi người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội của mình nhưng do người sử dụng lao động không nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội thì người lao động vẫn được chốt sổ và chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm yêu cầu bắt buộc người sử dụng lao động phải truy nộp bảo hiểm xã hội và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
- Quy định tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội là tiền lương được quy định tại Điều 90 của Bộ Luật lao động năm 2012 (hiện tại đóng Bảo hiểm Xã hội trên nền lương quá thấp nên thiệt thòi cho người lao động khi nghỉ hưu).
 
- Bổ sung tội danh trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền Bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền Bảo hiểm xã hội nhưng vẫn cố tình không thực hiện thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
c. Về dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu: đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu trong năm 2014 nhằm đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012 và kết luận số 23/KL-TW, ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) về “Một số vấn đề về: Tiền lương, Bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.
 
III. Đối với Chính phủ:
 
1. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành được phân công triển khai thực hiện các đề án theo Kết luận số 23/KL-TW ngày 08 tháng 4 năm 2008 của Bộ Chính trị về “Những công việc cần cụ thể hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, khẩn trương rà soát những công việc đã làm, chưa làm và đề ra giải pháp, tiến độ thời gian để tiếp tục những công việc; có Nghị quyết hay Chương trình của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân như: nhà ở, các công trình phúc lợi: khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo các khu công nghiệp tập trung; tiền lương, bảo hiểm xã hội, v.v...
 
2. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2012; Đồng thời chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Lao động mà luật không quy định nhằm bảo đảm đưa Bộ Luật Lao động đi vào thực tiễn theo Công văn số 1863/UB VĐXH/13 của Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội “về việc trả lời hướng xử lý vướng mắc trong việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012”.
 
3. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 4 năm 2009 về cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động ở khu công nghiệp. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành các qui định cụ thể về xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: Khu sinh hoạt văn hoá, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế phục vụ cho công nhân Khu công nghiệp.
 
4. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng nợ đọng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi về trước mắt và lâu dài của người lao động và quĩ Bảo hiểm xã hội; đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi của người lao động khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội nhưng bị người sử dụng lao động chiếm dụng không đóng Bảo hiểm xã hội. Mặt khác sớm hướng dẫn tiền lương làm cơ sở đóng Bảo hiểm xã hội theo điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012.
 
5. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo kết luận số 23/KL-TW của Hội nghị Trung ương 5 nhằm đảm bảo đến năm 2015 tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012.
 
6. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại hoặc có nguy cơ cao mất an toàn lao động; Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm các quy định của pháp luật lao động về an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
 
7. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động; tăng cường nguồn lực cho các trường đào tạo dạy nghề công nhân kĩ thuật đồng thời có quy định rõ hơn về việc doanh nghiệp có cơ chế, tạo điều kiện về kinh phí, thời gian để công nhân, lao động học tập, nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
8. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập, hỗ trợ hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá. Đồng thời có chính sách giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, động viên ngư dân bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.