Kiến tạo không gian văn hoá bằng nhiều ý tưởng mới lạ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa công bố 25 phương án xuất sắc lọt vào bình chọn cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội của các tác giả, nhóm tác giả bán chuyên và không chuyên. Nhiều ý tưởng mới, độc đáo, phát huy hiệu quả nguồn lực con người và các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành mạng lưới không gian sáng của Thủ đô đã được giới thiệu.

Ý tưởng hình thành không gian sáng tạo

Mở đầu trong danh sách 25 phương án xuất sắc lọt vào vòng bình chọn cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo của Hà Nội là ý tưởng được triển khai tại khu tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) của tác giả Phạm Chí Thanh. Theo tác giả Phạm Chí Thanh: “Khu tập thể được xây dựng vào những năm 1960 – 1970. Khu tập thể gồm 4 dãy nhà chính, còn khoảng 150 hộ dân đang sinh sống tại đây. Chủ yếu là cán bộ, công nhân đã nghỉ hưu. Do thời gian xây dựng đã lâu, kèm theo theo nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho tập thể này rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến cư dân đang sinh sống. Năm 2017, đã có các dự án về cải tạo khu vực, tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện do tỷ lệ đồng thuận chưa cao, chưa tìm được tiếng nói chung giữa chủ đầu tư, chính quyền và người dân”.
 HÌnh ảnh thiết kế không gian sáng tạo khu tập thể Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Chụp lại từ bản thiết kế.

Vì vậy, tác giả Phạm Chí Thanh đã đưa ra ý tưởng hình thành một không gian sáng tạo được tái thiết kế dựa trên cơ sở vật chất và các giá trị vốn có tại khu tập thể Lê Hồng Phong. Theo phương án của tác giả, công trình sẽ giữ lại lối tiếp cận ban đầu, mở thêm một lối ở giữa khu vực kết hợp với các tuyến giao thông để tạo nên sự tuần hoàn. Tại vị trí thay thế các dãy nhà, xây dựng các công năng lần lượt là quảng trường, sân để xe, khu nhà dịch vụ và không gian đa năng. Các nhu cầu được liên kết và chia sẻ với nhau trong một không gian liên tục, sự sắp xếp các kiến trúc mới dựa trên cơ sở các khu tập thể cũ tạo nên một tổng thể bổ sung và liên hệ lẫn nhau, giữa cũ và mới, sáng tạo và cải tạo, con người và tự nhiên.

Là một trong những bài dự thi được công khai lấy ý kiến bình chọn trực tuyến, ý tưởng thiết kế sáng tạo của nhóm tác giả Nguyễn Kiên Tố, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Minh Anh, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trần Duy Tân, Nguyễn Anh Dũng, Trần Hữu Trí tập trung vào việc chuyển đổi công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo mang tên “Quận đường tàu 4.0”. Đồng tác giả, kiến trúc sư Nguyễn Kiên Tố chia sẻ, Hà Nội hiện còn rất thiếu không gian xanh và không gian công cộng. Trong khi đó, công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ có thể trở thành một không gian sáng tạo, trải nghiệm, nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, người tiêu dùng, khách tham quan bằng những sản phẩm hấp dẫn trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc còn hiện hữu nơi đây.

Bên cạnh đó, phương án “Quận nghệ thuật sông Hồng” của Công ty CP Tư vấn và đầu tư kiến trúc AVANT cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực. Theo đề xuất của phương án, nếu tại trung tâm của khúc sông Hồng có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, nơi tất cả những ý tưởng, sáng tạo được hội tụ lại, giao thoa với nhau, được giới thiệu với đông đảo các tầng lớp trong và ngoài nước, thì đó sẽ trở thành một cực phát triển rất hiệu quả, nơi địa linh và nhân kiệt hội tụ.

Sáng tạo đúng hướng

25 phương án lọt vào vòng bình chọn của các tác giả, nhóm tác giả chuyên và không chuyên đã cho thấy sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lượng, đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện rõ sự quan tâm, trách nhiệm đối với sự hình thành và phát triển các không gian sáng tạo Hà Nội.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo bày tỏ: Cuộc thi được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của người dân, nếu không sẽ là quá muộn. Bởi vì, sau thời gian dài hối hả phát triển, đời sống vật chất của người dân tăng lên nhiều, nhưng TP lại thiếu không gian dành cho các hoạt động của cộng đồng mang đậm nét riêng của văn hóa Hà Nội. Đó thực sự là một đòi hỏi cấp thiết để Hà Nội sớm trở thành nơi sống tốt và có bản sắc. Hà Nội gần đây tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu là một minh chứng.
Công chúng tìm hiểu các không gian sáng tạo được trưng bày tại Lễ phát động cuộc thi. Ảnh: Lại Tấn. 

Điều đó cho thấy, xu hướng phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội là phù hợp và đang đi đúng hướng của thời đại. Ví dụ thuyết phục nhất là trường hợp quận Hoàn Kiếm, bắt đầu từ cải tạo phố Tạ Hiện đến không gian Vòm cầu Phùng Hưng và không gian cộng đồng Bãi Phúc Xá.

Đánh giá về các ý tưởng dự thi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ (thành viên Hội đồng giám khảo) cho rằng, các tác phẩm dự thi được đầu tư bài bản, nghiêm túc, nhiều ý tưởng tâm huyết, giải pháp sáng tạo mang tính nhân văn trong thiết kế cũng như có tính khả thi cao, là gợi ý chất lượng cho việc chuyển đổi nhiều không gian công cộng trong thực tế.

Theo kế hoạch trong thời gian tới Ban tổ chức sẽ tiếp tục triển khai xét giải cho các tác phẩm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiết kế sáng tạo, khai thác các giá trị từ giải pháp sáng tạo, phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần