Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên trì việc dạy an toàn giao thông trong trường học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu nhận được câu hỏi “Vấn đề nào mọi người quan tâm nhiều nhất?” thì có lẽ rất khó để có câu trả lời đồng nhất.

Nhưng có một vấn đề vô cùng bức thiết đối với mỗi chúng ta mà mọi người ai nấy đều lưu tâm trước khi bàn luận những đề tài lớn hơn, đó là: Vấn đề trật tự an toàn giao thông (ATGT)
Học sinh tiểu học trong giờ ngoại khóa về ATGT.
Học sinh tiểu học trong giờ ngoại khóa về ATGT.
Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng tôi đã quan trọng hóa vấn đề về ATGT. Nhưng không, thử hỏi có hiểm họa nào bất ngờ, nguy hiểm như TNGT? Có tai họa nào lại đem đến những mất mát, đau thương cho từng cá nhân, cho mỗi gia đình và cho toàn xã hội như TNGT? Nói như thế để thấy TNGT không loại trừ bất cứ ai. Trong ký ức của mỗi người, hẳn không thể nào quên vụ chìm thuyền ở Quảng Bình cướp đi sinh mạng của mấy chục con người. Những đôi mắt hoe đỏ của người ở lại khi nhắc đến vụ tàu hỏa đâm vào ô tô tại Phú Xuyên khiến mười người đang tràn trề hạnh phúc sau lễ ăn hỏi phút chốc biến thành những oan hồn. Gần đây nhất, vụ TNGT nghiêm trọng tại Phú Thọ đã cướp đi sinh mạng của 3 em học sinh trên đường đi học… TNGT không chỉ bất ngờ cướp đi sinh mạng người thân của nhiều gia đình, mà đằng sau đó còn là những niềm đau kéo dài cho người ở lại.

Tại sao ở Việt Nam TNGT lại xảy ra nhiều đến như vậy? Có người cho rằng lý do chủ yếu là do nước ta còn nghèo, hệ thống đường xá và phương tiện giao thông cũ kỹ lạc hậu trong khi đó số lượng các phương tiện giao thông lại gia tăng với mức độ chóng mặt. Có người lại cho rằng việc xử lý vi phạm giao thông chưa nghiêm, lại có người khẳng định do trình độ văn hóa của người dân còn thấp nên nhiều người chưa biết, chưa hiểu Luật Giao thông đường bộ. Tôi cho rằng rất cả những nguyên nhân trên không sai nhưng chưa đủ. Bằng chứng là ngay ở những con đường nhựa thênh thang, phẳng lỳ, TNGT vẫn xảy ra. Hiểm họa TNGT có lẽ chỉ giảm thiểu nếu tôi, anh và chúng ra có ý thức chấp hành giao thông tốt. Với cương vị giáo viên tôi đề xuất những biện pháp để uốn nắn quá trình tham gia giao thông của học sinh từ kinh nghiệm thực tiễn của mình.

Giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong trường học nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách để cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản ban đầu nhằm hình thành thái độ hành vi tự giác, chấp hành pháp luật trật tự ATGT chung và tránh được những TNGT cho chính mình. Giáo dục trật tự ATGT là yêu cầu rất quan trọng nhưng không dễ dàng. Vì vậy các nhà trường cần phải quan tâm kiên trì tổ chức tốt việc dạy học, phối hợp với các đoàn thể trong và ngoài nhà trường cùng với phụ huynh để không ngừng nâng cao chất lượng tuyên truyền mà còn nâng cao ý thức pháp luật cho các em ngay từ bé.

Ngoài các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy... thì xe đạp là phương tiện giao thông rất phổ biến, xe đạp là phương tiện giao thông thô sơ, dễ đi nên ở lứa tuổi tiểu học một số các em đã tự đi xe đạp đến trường. Tuy vậy, đa số các em được cha mẹ cho đi xe đạp của người lớn chưa đúng quy định như vậy rất dễ xảy ra tai nạn vì xe quá cao, chân của các em không chống được xuống đất. Do đó, các phụ huynh nên hạ yên thấp xuống để các em khi ngồi lên xe có thể chống chân xuống đất được. Đồng thời, chỉnh tay lái xuống thấp để các em không phải nhoài người với tay lái. Qua sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên, các em sẽ dần hiểu sự nguy hiểm khi đi xe đạp không đúng quy định. Làm được như vậy là chính các em đã góp phần đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, an toàn cho mình và cho mọi người, hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Ngoài việc giáo dục các em đi xe đạp, còn phải giáo dục các em nắm được những quy định đối với người tham gia giao thông. Từ đó, các em có ý thức thực hiện nghiêm chỉnh những quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Giáo viên các trường nên để các em tự theo dõi lẫn nhau và báo cáo lại những bạn còn phạm vào những điều cấm trên vào những buổi sinh hoạt thứ Sáu hàng tuần, nhắc nhở các em thường xuyên, nhấn mạnh những tác hại của việc không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, để không những các em thực hiện tốt những quy định đối với người tham gia giao thông, từ đó hình thành ý thức tự giác, thói quen tốt, đúng khi tham gia giao thông

Tôi thầm nghĩ chúng ta cần tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoặc lồng ghép các hoạt động này vào hoạt động đa dạng phong phú hơn nữa phù hợp với điều kiện từng lứa tuổi học sinh. Có thể giao lưu giữa các trường trong khu vực, bằng nhiều hình thức như đố vui để học, trực quan sinh động, những sáng tác biểu diễn văn nghệ có nội dung về giao thông thì hiệu quả sẽ càng cao hơn nữa.

Với những đề xuất các biện pháp giảm thiểu TNGT cho học sinh ở trên, hy vọng góp một phần nhỏ bé tham gia vào công cuộc xây dựng được một thế hệ tương lai có kiến thức và ý thức tuân thủ luật giao thông, có cách xử sự văn minh khi tham gia giao thông. Vì tôi cũng như tất cả các thầy cô đều hiểu rằng: “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người”.