Trong ngày làm việc thứ 2, Hội nghị về người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2 (NVNONN) tiếp tục đi sâu thảo luận về các chủ đề mà hàng triệu bà con kiều bào và cả dân tộc cùng quan tâm, gồm: Tương lai của cộng đồng - những vấn đề của hội nhập và phát triển; bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc - động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước; trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – từ tiềm năng đến hiện thực và doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước.
Đã có hàng trăm ý kiến tham luận được các đại biểu trong giới nhân sỹ, trí thức Việt kiều đại diện cho cộng đồng NVNONN và đại diện các bộ ngành, địa phương trong nước nêu ra tại 4 hội thảo chuyên đề trên. Trong đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất vẫn là công tác giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc, hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào; huy động chất xám từ đội ngũ trí thức Việt kiều và thông qua đối tượng này đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nước ngoài về phục vụ xây dựng, phát triển đất nước; khai thác thế mạnh từ đội ngũ doanh nhân Việt kiều cho việc xúc tiến, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài…
Xen kẽ giữa các buổi thảo luận tại hội trường, các đại biểu đại diện cho cộng đồng NVNONN cũng được ban tổ chức bố trí đi tham quan, tìm hiểu thực tế như tham gia lễ dâng hương Quốc tổ Hùng Vương tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng, tham quan Công viên văn hóa lịch sử của dân tộc, tham quan Khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và một số DN do doanh nhân Việt kiều đầu tư…
Các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhận giấy khen của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: TTXVN.
Ông Lê Trường Sơn, Việt kiều tại LB Nga, cho biết, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm gần 800 tỷ USD, LB Nga là một thị trường có tiềm năng rất lớn; lại không đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, chất lượng như các thị trường khác. Nhưng dù cộng đồng người Việt đã có khoảng 70.000 - 80.000 người đang sinh sống ở LB Nga, thì lực lượng bán buôn, bán lẻ ở các chợ vẫn đang là đối tượng chủ lực trong việc phân phối hàng hóa Việt đến các chợ, trung tâm thương mại; các đầu mối tiêu thụ hàng hóa trải khắp LB Nga và các nước SNG. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt ở Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nguyện vọng bức thiết của một bộ phận cộng đồng người Việt tại LB Nga hiện nay là có chỗ ở ổn định và an toàn, được đăng ký sinh sống và làm việc hợp pháp, có chỗ buôn bán ổn định. Để giải quyết thực trạng này, theo ông Sơn, việc hình thành các trung tâm thương mại Việt Nam tại Nga là cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, do thông thạo thị trường, hiểu rõ thị hiếu, tập quán, pháp luật bản địa... nên người Việt ở nước ngoài là kênh thâm nhập nhanh và tốt nhất để đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Rất nhiều trung tâm thương mại chuyên bán hàng Việt đã ra đời ở các nước Đông Âu. Một số mặt hàng Việt đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU thông qua các doanh nhân kiều bào. Vì vậy, để tiếp tục phát huy những đóng góp của kiều bào ở nước ngoài trong việc phát triển giao thương quốc tế, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị doanh nghiệp của NVNONN và doanh nghiệp trong nước có thể liên kết thành mạng lưới kinh doanh để hàng Việt Nam tiếp cận thế giới.
Theo ông Đỗ Trác Bàng, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam, muốn phát triển xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, trước hết cần phát động kiều bào các nơi trên thế giới đẩy mạnh tiêu dùng hàng trong nước qua phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng quê hương”