Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiều hối có dấu hiệu chững lại

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2016 có sự sụt giảm mạnh, ước chỉ khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo 12 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm và giảm khá mạnh so với mức 15,2 tỷ USD năm 2015.

Nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, năm 2017, dòng kiều hối về Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng như chủ trương nâng giá trị đồng USD, không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 Ảnh minh họa

Đặc biệt, sau hàng loạt sắc lệnh hành chính gây "sốc", Tổng thống Donald Trump cũng đã ký những sắc lệnh bổ sung cấm các tổ chức ngân hàng (NH), tài chính của Mỹ chuyển tiền ra nước ngoài dưới dạng kiều hối. Sắc lệnh nhằm chặn dòng tiền ra khỏi nước Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka… và Việt Nam.

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ khi có hiệu lực cũng sẽ đánh thẳng vào túi tiền của các NH ở Việt Nam đang cung cấp dịch vụ nhận và chuyển tiền kiều hối có kết nối với các NH tại Mỹ như JPMorgan Chase & Co, Citigroup, Wells Fargo & Co, Goldman Sachs Group, Morgan Stanley... Người dân ở Việt Nam muốn nhận được tiền từ thân nhân ở nước ngoài chỉ còn cách chuyển tiền qua các dịch vụ “chợ đen”, dịch vụ ngầm với độ rủi ro cao.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), với giả định các yếu tố khác không đổi, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới tăng thêm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng kiều hối vào Việt Nam có thể giảm đi 0,39 điểm phần trăm, bởi môi trường đầu tư của các nước sở tại tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa thay vì mang tiền đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư Mỹ sẽ quay lại đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nhìn tổng quan, năm 2016, nền kinh tế của một số nước có nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam không mấy cải thiện so với năm 2015. Như vậy, môi trường kinh tế thế giới không phải là nhân tố làm giảm lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Nguyên nhân chính ở đây được chỉ ra xuất phát từ tình hình trong nước. Năm 2016, lãi suất tiền gửi USD ở Mỹ tăng, trong khi Việt Nam vẫn giữ mức 0%. Điều này đồng nghĩa cơ hội khai thác chênh lệch lãi suất đồng USD giữa thị trường trong nước và nước ngoài mất đi, thu hẹp lượng kiều hối về Việt Nam. Trong khi đó, dòng ngoại tệ không nhỏ chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài lại có sự gia tăng.

Hiện, trên thị trường quốc tế, lãi suất USD liên NH khoảng hơn 0,68% (kỳ hạn qua đêm), hơn 0,71%/kỳ hạn một tháng và lãi suất tiền gửi USD tại nhiều nước lên đến 1% tùy theo kỳ hạn, loại hình tiền gửi. Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc đưa lãi suất USD lên khỏi mức 0% là điều cần được các NH trong nước xem xét lúc này.