Kim ngạch ngoại thương Trung Quốc giảm. (Nguồn: chinadaily.com.cn)
Tổng cục Hải quan Trung quốc ngày 8/6 cho biết tăng trưởng của ngành ngoại thương nước này trong tháng 5 đã sụt giảm mạnh, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm và chịu tác động khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
Theo cơ quan trên, tổng kim ngạch ngoại thương Trung Quốc trong tháng 5 chỉ tăng 0,4% đạt 345,1 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 15,7% của tháng 4. Cụ thể, xuất khẩu chỉ tăng chưa đầy 1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 182,77 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 14,7% của tháng 4.
Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ tăng 0,3% đạt 162,34 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 16,8 % của tháng trước và thấp hơn nhiều so với dự báo 5% của các chuyên gia kinh tế. Thặng dư thương mại trong tháng 5 của Trung Quốc đạt 20,4 tỷ USD.
Đánh giá về tình trạng sụt giảm của ngành ngoại thương, Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhận định nguyên nhân là do nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, nhu cầu thị trường quốc tế ảm đạm, chi phí sản xuất tăng cao, trong khi môi trường thương mại toàn cầu xấu đi. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng các nhà xuất, nhập khẩu cố tình báo cáo sai về hoạt động kinh doanh khi chính phủ siết chặt kiểm soát các hoạt động luân chuyển vốn từ nước ngoài.
Kể từ ngày 6/6 đến ngày 6/8, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tạm thời áp mức thuế trung bình 11,8% đối với các sản phẩm pin năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc hiện cũng vướng vào một số tranh chấp thương mại về một số loại hàng hóa khác với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Nhật Bản.
Theo số liệu được Chính phủ Trung Quốc công bố, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I năm nay đạt 7,7%, giảm 0,2% so với mức tăng trưởng của quý IV/2012. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện do dự đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế do lo ngại tình trạng "bong bóng nhà đất" và gây mất ổn định tài chính.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hy vọng thúc đẩy các cải cách về cơ cấu, trong đó có giảm sự can thiệp của chính phủ và mở rộng tiếp cận thị trường nhằm vực dậy đà tăng trưởng.
Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2013 ở mức 7,5%.