Không thể phát triển nóng
Đề cập đến việc các chỉ tiêu kinh tế phát triển chậm, ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) muốn Phó Thủ tướng khẳng định những giải pháp đột phá của Chính phủ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích: "Tăng trưởng cao mà lạm phát cao thì không có ý nghĩa với người dân. Vì thế, cần thực hiện chủ trương nhất quán mà Quốc hội nêu ra trong đầu kỳ năm 2013: Tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững toàn vẹn Tổ quốc…". Phó Thủ tướng bày tỏ: "Chính phủ cũng rất muốn có sự đột phá trong phát triển. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển, nhưng chỉ đạo không chặt chẽ, sẽ quay lại lạm phát. Chính vì vậy, chúng ta không được phát triển nóng, cần tăng trưởng bền vững".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ thực hiện “lời hứa”
Nhận định về 2,5 ngày tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các ĐB đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết của xã hội, các lãnh đạo ngành đã trả lời thẳng vào vấn đề, đưa ra nhiều giải pháp, quyết tâm. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến các nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị, đến kỳ họp sau, các Bộ trưởng, trưởng ngành được Quốc hội chất vấn, đặt câu hỏi lần này tiếp tục có báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện. Cuối kỳ họp này Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chất vấn.
|
Đưa ra nhiều giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết: Phải kết hợp hài hòa giải pháp tài khóa và tiền tệ. Để tăng tổng tín dụng so với 2012 là 12%, tất cả các tháng còn lại mỗi tháng phải giải ngân 40.000 tỷ đồng; tích cực đẩy nhanh gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng; khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ, triển khai công ty mua bán nợ… Chính phủ cũng đã xây dựng chương trình trung hạn đến 2015 khôi phục nền kinh tế. Lộ trình giá của các mặt hàng quan trọng cần được xử lý trong quá trình này.
Chất vấn Phó Thủ tướng quanh việc vốn Nhà nước tại nhiều tổng công ty đang nằm một chỗ, mà Nhà nước lại cần nguồn vốn để đầu tư các lĩnh vực khác, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Ở những công ty Nhà nước không cần nắm phần chi phối, vậy tại sao không "thoái vốn", dùng tiền đó cho các công trình trọng điểm. Và đề nghị Quốc hội, Chính phủ đưa vấn đề này vào nghị quyết chất vấn. Phó Thủ tướng hoan nghênh và đồng tình sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ để chi số tiền này hiệu quả nhất.
Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) về việc đang tồn tại nhiều băng nhóm côn đồ, bảo kê chợ, bến xe… có hay không sự "chùn tay" hoặc bảo kê cho tội phạm của lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: Ngoài việc quán triệt sự chỉ đạo của T.Ư chưa cao, mất cảnh giác, lơ là, có một bộ phận bị lợi dụng, mua chuộc của kẻ xấu. Chính phủ nhận rõ trách nhiệm về vấn đề này và đã đề nghị các ngành triển khai thật nghiêm túc. Trong đó, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. "Địa bàn nào để tội phạm lộng hành phải cho thôi chức trưởng công an ở đó" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tái cơ cấu có lợi hơn phá sản
Từ câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), vấn đề tái cơ cấu tập đoàn Vinashin và Vinalines lại làm nóng diễn đàn Quốc hội. Cho rằng hai doanh nghiệp này để lại nhiều dư âm trầm buồn cho nền kinh tế nước ta và những khoản nợ xấu khổng lồ cho Nhà nước. ĐB đề nghị Phó Thủ tướng cho biết hiệu quả tái cơ cấu những doanh nghiệp này đến nay ra sao và lộ trình tái cơ cấu diễn ra như thế nào?
Đánh giá đây là câu hỏi rất lớn và khó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việc tái cơ cấu tập đoàn Vinashin diễn ra trong giai đoạn khủng hoảng, kinh tế khó khăn, các công ty đóng tàu lớn trên thế giới cũng thua lỗ. Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu đến nay đã có những dấu hiệu khả quan theo hướng ổn định hơn, kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm đã đạt được những dấu hiệu tích cực. Trong 216 doanh nghiệp không giữ lại đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp, trên 74% trong số gần 29.000 lao động có việc làm. 19 ngân hàng trong nước đã giảm nợ cho Vinashin đến 75% trong số nợ 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay. Đối với Vinalines, việc tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ hơn, phục hồi nhanh hơn.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, hiện tại, Vinashin vẫn lỗ nặng, quá trình tái cơ cấu vẫn còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức. "Có ý kiến cho rằng khó khăn như vậy tại sao không phá sản mà lại tái cơ cấu. Chính phủ cân nhắc giữa hai việc này cái nào lợi hơn thì làm. Vinashin là tập đoàn 100% vốn Nhà nước, tái cơ cấu vẫn lợi hơn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Cũng đề cập đến vấn đề tái cơ cấu, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, quá trình thực hiện tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng… vẫn chậm. Vậy có hay không tác động của lợi ích nhóm hoặc cơ chế không phù hợp? Phó Thủ tướng nhận định: Có 3 nguyên nhân chậm: Do cơ chế, thị trường tài chính, nguồn nhân lực. Các ngành và địa phương phải đề ra giải pháp để đẩy mạnh hơn.
Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thông tin về một số nội dung ĐBQH quan tâm như: Năm 2016 sẽ hoàn thành tuyến Quốc lộ 1; tháng 5/2014 hoàn thành công trình nhà Quốc hội, tháng 7 bàn giao và Kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 10/2014) sẽ đưa vào sử dụng; Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định trọng dụng nhân tài….