Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội: Những điểm sáng đầu năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau kỳ nghỉ Tết, các DN bắt đầu sản xuất ngay theo kế hoạch, do vậy trong 2 tháng đầu năm 2017, Hà Nội tiếp tục tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực như dịch vụ - thương mại, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trong và ngoài nước...

Khởi đầu suôn sẻ
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 2 tháng đầu năm của TP Hà Nội tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%. Các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn TP nhìn chung tăng so với tháng trước và cùng kỳ. Chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tháng 1/2017 giảm 6,3% so với tháng trước và giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Xích líp Đông Anh. Ảnh:  Hải Linh

Sau Tết, các siêu thị và các cơ sở kinh doanh cũng mở bán hàng sớm, thị trường hoa tươi, quà tặng cũng khá nhộn nhịp,… giá bán nhìn chung có tăng so với ngày thường nhưng không đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 được kiểm soát tốt khi tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước. Điều này phản ánh từ thực tế sự chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành của TP cũng như vai trò, trách nhiệm của các DN (cả tư nhân và Nhà nước) trong điều tiết thị trường, nhất là giai đoạn cao điểm Tết.
Trong hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP ước đạt 365.234 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 2 đạt 179.014 tỷ đồng. Điểm nổi bật năm nay là hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm được thị trường, ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, bánh kẹo, đồ uống, mứt, lương thực, thực phẩm, hàng may mặc… sản xuất trong nước chiếm thị phần khoảng 80%.
Lĩnh vực thu ngân sách được quan tâm hàng đầu với kết quả thu đạt 28.090 tỷ đồng trong hai tháng. Tăng trưởng tín dụng đạt khá với dư nợ tăng 1,2%, đảm bảo nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các DN.
Cũng trong hai tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tiếp tục tăng và đạt 572,7 nghìn lượt khách trong hai tháng đầu năm (tăng 13% cùng kỳ), doanh thu tăng 5,5%. Các công ty du lịch đã triển khai nhiều chương trình tour đặc biệt đón Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Hà Nội đã quảng bá việc tổ chức Tết với nhiều hoạt động: Tổ chức các triển lãm, hội chợ thương mại, Phố sách, quảng bá du lịch trên kênh CNN...
Tập trung cao cho phát triển, ổn định kinh tế
Tính đến cuối tháng 2/2017, toàn TP thu hút được 493,6 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 68% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường bất động sản thương mại cũng chứng kiến sự nhộn nhịp chuyển nhượng cũng như góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng trong tháng 2, Sở KH&ĐT Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 2.376 DN thành lập mới, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016; tổng số vốn đăng ký 18.745 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn Hà Nội lên 210.892 DN. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua mạng đạt 67%.
Theo UBND TP Hà Nội, trong tháng 3/2017 và các tháng tiếp theo, TP sẽ tập trung triển khai, thông qua các giải pháp hữu hiệu, khả thi để hiện thực hóa mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng tốc độ tăng trưởng GRDP của TP lên 8,5 - 9% trong năm 2017; kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch.
Trong tháng 4, TP sẽ gặp gỡ các DN trong nước và DN nước ngoài để tháo gỡ khó khăn cho DN. Điểm đặc biệt là nội dung, cách thức của các buổi gặp gỡ sẽ thay đổi theo hướng mới, đó là giải đáp, xử lý và tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của DN. Trước những yêu cầu về xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới, Hà Nội cũng đặt những mục tiêu phấn đấu trở thành TP “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, TP thông minh và thân thiện. Trong đó, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước phù hợp thực tiễn bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục đầu tư xã hội hóa, tự chủ, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công; đa dạng hóa và thu hút các nguồn lực nước ngoài cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm; giải quyết các vấn đề phát triển và vấn đề cấp bách của TP.
Để tạo điều kiện cho các DN phát triển, TP cam kết không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Định kỳ tổ chức diễn đàn trao đổi giữa các cấp chính quyền với DN; thực hiện Chương trình Kết nối ngân hàng - DN; hỗ trợ DN vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện về thủ tục giúp DN tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất...