Kinh tế Hàn Quốc đã suy giảm sau thảm họa chìm tàu Sewol hồi tháng 4/2014 và liên tục dậm chân tại chỗ từ giai đoạn đó đến quý II/2015. Tiếp đó bóng đen của Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông (MERS) lại trùm lên nền kinh tế lấy động lực chính từ thương mại và du lịch này. Suốt hơn 3 tháng hoành hành, dịch bệnh này đã gây ra tổn thất không nhỏ cho ngành công nghiệp không khói Hàn Quốc. Chính quyền đã viện đến các công cụ thúc đẩy mạnh tay từ tầm vĩ mô tới vi mô. Từ việc tung gói kích thích 14 tỷ USD đến tổ chức các lễ hội mua sắm, sự kiện đại hạ giá quy mô quốc gia và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt khá hiệu quả để kéo người tiêu dùng trong nước cũng như du khách quốc tế quay trở lại.
Sau khi công bố hết dịch MERS vào ngày 15/8, kết hợp với những hoạt động xúc tiến du lịch sau đó, nền công nghiệp không khói của Hàn Quốc đã có những khởi sắc. Gần đây nhất vào ngày 8/10, số liệu cho thấy tiêu dùng nội địa đã tăng cao hơn mức có được trước khi bùng phát MERS.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thiếu chắc chắn về chính sách cũng như tăng trưởng, nhất là Trung Quốc với vai trò là nhà nhập khẩu lớn nhất của nước này, động lực thương mại của Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề. “Bóng đen” MERS manh nha đe dọa tái phát một lần nữa vào cuối tuần trước có thể cản sự phục hồi của nền công nghiệp không khói nước này. Trải qua giai đoạn phát triển nhanh vượt bậc, chỉ trong khoảng 40 năm vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, nền kinh tế Hàn Quốc đã sản sinh ra những tập đoàn “gia đình trị” (chaebol) nắm trong tay ảnh hưởng quá lớn nhưng cũng tồn tại quá nhiều vấn đề về quản lý sở hữu, tranh giành quyền lực nội bộ và hoạt động thiếu minh bạch.
Do đó, những sóng gió cả về chủ quan lẫn khách quan đang chờ nền kinh tế Hàn Quốc là phép thử thúc đẩy chính quyền đương thời buộc phải đưa ra các cải cách mạnh tay, để “con rồng châu Á” có thể vững bước trên đường dài.