Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế khởi sắc, sức cạnh tranh chưa cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình Quốc hội báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, nhiệm vụ năm 2016 và kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020.

Những nội dung được đưa ra như một bản tổng nhiệm kỳ của Chính phủ với 9 nhóm kết quả quan trọng đạt được, 9 nhóm hạn chế tồn tại và cả những bài học, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Kinh tế tăng trưởng nhưng chưa vững chắc

Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm 2015 và nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 5 năm được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tại phiên khai mạc. 	Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tại phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN
Tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm. Trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD). Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Trong 9 tháng năm 2015, số DN thành lập mới tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số DN đang hoạt động là 525.000, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010. Cùng với đó, Chính phủ cũng cho biết, cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và DN trong nước tăng từ 36,1% lên 42%. Đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nêu lên những yếu kém khi kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn hạn chế... Thủ tướng Chính phủ cũng nêu hạn chế xung quanh việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc xã hội; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập. Tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm…

Về các mục tiêu và chỉ tiêu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%...

Lưu ý giải pháp phục hồi cho DN

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp. Đặc biệt, khu vực nông nghiệp 9 tháng năm 2015 chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014. Mặc dù nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân. Đáng chú ý, năm 2015 nhập siêu đã trở lại sau 3 năm 2012 - 2014 xuất siêu.  "Có ý kiến lo ngại, nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển DN khu vực tư nhân, sẽ dẫn đến cơ cấu sản xuất DN trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay" - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ.

Trong công tác dự báo và điều hành chỉ tiêu lạm phát, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến DN, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.

Trong năm 2016, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc một số chỉ tiêu khó khả thi như tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu 5%. Đồng thời lưu ý, nước ta tiến hành các thủ tục theo quy định trình Quốc hội phê chuẩn và xây dựng chương trình hành động cụ thể nội dung và bước đi triển khai các hiệp định mới như TPP, FTA Việt Nam - EU. Do đó, nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh không thấp hơn 4 nước hàng đầu khu vực ASEAN.

Chiều 20/10, Quốc hội nghe báo cáo kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách và phương án phân bổ sung ngân sách T.Ư năm 2016. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tổng thu ngân sách năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so với ước thực hiện 2014) là kết quả đáng ghi nhận. Nhưng cơ cấu thu đã có những thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh, mức độ huy động vào ngân sách từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm so với  trước. Do vậy, Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước.
Cử tri đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị nhân sự
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày trước Quốc hội tổng hợp 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp.
3 việc phải làm để đạt mục tiêu
Chúng ta đã thực hiện khá tốt bước đầu về 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là thể chế đã đạt được bước cơ bản, sửa đổi ban hành các luật để phù hợp với đổi mới giải quyết các vướng mắc tồn tại, cũng như phù hợp với quy định thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, cần có 3 việc phải làm. Thứ nhất là làm cho chính sách quy chế, quy định vào cuộc sống rất nhanh, biến thành tư duy hiểu biết nhận thức của từng người. Thứ hai là giải pháp rất cụ thể bằng kiểm tra kiểm soát thực hiện một cách nghiêm túc và phối hợp nhịp nhàng. Và cuối cùng là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để dân tham gia, giám sát quá trình thực hiện, phát hiện những địa chỉ cụ thể chưa làm được hay còn tồn tại để giúp cho các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo ở T.Ư và địa phương khắc phục nhanh hơn, có địa chỉ hơn, hiệu quả hơn.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thái Bình)
Nhiều nội dung quan trọng sẽ được quyết định
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Đó là xem xét, thông qua 18 dự án luật, nhiều nghị quyết; cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Nội dung đáng chú ý khác là Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét báo cáo của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quốc hội cũng sẽ quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp 2016 - 2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia… "Nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian và công sức tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội theo chương trình, tiến độ đã xác định" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ và đề nghị các ĐB Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.