Kinhtedothi - Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 với mục tiêu GDP tăng 6,2%, lạm phát khoảng 5%...
Mục tiêu này đã được cân nhắc, đề cập đến trong nhiều báo cáo, hội nghị, hội thảo trước đó cũng như dựa trên "sức khỏe" của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều đại biểu, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu cần phải triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá.
ĐB Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hồ Chí Minh:
Nên có các giải pháp đồng bộ
Mục tiêu 2015 phải đưa nợ xấu về dưới 3%, nhưng cần có biện pháp như thế nào? Chúng ta lập ra Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu, nhưng vướng nhiều thủ tục. Không khai thông thị trường BĐS, thị trường thế chấp, không thông được thị trường nợ thì làm sao giải quyết được nợ xấu? Do đó, nên tập hợp các giải pháp đồng bộ: Kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những đối tượng DN có dự án kinh doanh tốt; NH tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng rủi ro; Giảm bớt thủ tục hành chính; Sớm hình thành thị trường mua - bán nợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
ĐB Vũ Tiến Lộc - đoàn Thái Bình:
Kinh tế tư nhân là động lực cho nền kinh tế
Chúng ta nên khẳng định như vậy, bởi trong bất kỳ quốc gia nào, để phát triển kinh tế phải dựa vào khối doanh nhân và DN là chủ yếu. Tuy nhiên, hiện một số yếu tố khác của môi trường kinh doanh lại làm chi phí của DN tăng lên. Ví dụ như cơ sở hạ tầng còn thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chi phí không chính thức trong kinh doanh còn cao, năng suất lao động còn thấp trong tương quan so sánh với khu vực, số lượng lao động có tay nghề chưa nhiều…
Chính vì thế, điều mà DN cần là một thông điệp rõ ràng về lộ trình cải cách và Chính phủ kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy cải cách cơ cấu xây dựng thể chế theo hướng công khai, bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế.
ĐB Trương Văn Vở - đoàn Đồng Nai:
Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Với chỉ tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát ở mức 5% trong năm tới, tôi đồng tình QH đã tăng tổng vốn đầu tư lên 32% (thay vì dự thảo 30%) bằng các giải pháp vực dậy khu vực sản xuất trong nước; Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh là ưu đãi về thuế, ưu đãi về thuế thu nhập, lãi suất của các dự án sử dụng nguồn đầu tư công mà trọng tâm là DN đầu tư nông nghiệp nông thôn, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
ĐB Bùi Thị An - đoàn Hà Nội:
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành nông nghiệp
Năm 2015, ngân sách Nhà nước cần tập trung đầu tư cho áp dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi hiện đầu tư cho nông nghiệp còn ít trong khi nông nghiệp là bệ đỡ cho đất nước trong lúc tình hình kinh tế khó khăn. Thời gian tới, Chính phủ cần cơ giới hóa nông nghiệp. Muốn nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nông nghiệp.
TS Phạm Thế Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu DN nhỏ và vừa:
Thay đổi tư duy quản lý
Tăng trưởng kinh tế 6,2%, thâm hụt ngân sách 5%... là những con số có căn cứ, nền kinh tế chúng ta đang chuyển biến tích cực, trong đó những ngành hàng tạo ra "sức bật" cho nền kinh tế vẫn đang duy trì tăng trưởng như gạo, cao su, điều, hạt tiêu, đồ gỗ, dệt may, da giày… Ngoài ra, sức tiêu thụ trong nước rất khả quan. Nhưng nhìn chung, cộng đồng DN trong các ngành nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ về vốn, về thuế song cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN. Cốt lõi của vấn đề này nằm ở tư duy của đội ngũ quản lý hành chính, do cán bộ hành chính chậm cải cách, không đáp ứng được yêu cầu cho nên chủ trương thì rất đúng, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn.