Kinh tế thế giới năm 2017: Động lực mới, thách thức mới

Cẩm Anh (Theo CNBC/OECD/Economist)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những biến chuyển của chính trường và nhiều sự kiện trong năm 2016, kinh tế toàn cầu năm 2017 có cả động lực và thách thức mới.

Còn nhiều nguy cơ
Vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên 3,3% năm 2017, từ mức dự kiến 3,2% đưa ra hồi tháng 9/2016. Còn trong năm 2018, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3,6%.
Theo OECD, mặc dù kinh tế thế giới vẫn đứng trước những bất ổn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các biện pháp kích cầu và sự tiến triển của chính sách thương mại sẽ giúp đưa kinh tế thế giới thoát khỏi bẫy tăng trưởng thấp.
 
Tuy vậy, OECD cũng cảnh báo về sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế. “Sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại có thể làm mất đi phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng quốc gia và cả thế giới, đẩy các nước lâm vào tình trạng tài chính khó khăn”, theo báo cáo của OECD.
Động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào những ngày cuối năm 2016 cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, với thị trường việc làm nở rộ. Trong năm 2017, FED dự định sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 3 đợt nữa, mỗi đợt 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, việc này cũng khiến USD tăng cao và cùng với việc lạm phát gia tăng, được cho là nguy cơ đối với cán cân kinh tế. Các chuyên gia cũng nhận định, trong năm 2017 nước Mỹ sẽ là đầu tàu tăng trưởng của thế giới. Trong khi đó, ASEAN gặp khó khăn vì đồng USD tăng giá trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cần được các nước Đông Nam Á cân nhắc. Theo đó, các nền kinh tế mới nổi vẫn dễ bị tổn thương, trong khi phần lớn các nước châu Á có thể tăng trưởng dưới mức tiềm năng.
Với nhận định kinh tế Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách tăng cường chi tiêu công và cắt giảm thuế của của Tổng thống đắc cử Donald Trump, kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,3% năm 2017, cao hơn mức dự kiến tăng 2,1% trước đó. Năm 2018, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3%.
Theo dự báo của OECD, trong khi kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 6,4% năm 2017, cao hơn so với mức 6,2% dự đoán trước đó, thì kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tăng trưởng 1,6% năm 2017 và 1,7% năm 2018. Đáng chú ý kinh tế Anh dự kiến tăng trưởng 1,2% năm 2017, cao hơn con số ước tính 1% trước đó, và 1% năm 2018. Kinh tế Nhật Bản dự kiến tăng trưởng 1% năm 2017, cao hơn so với mức dự kiến 0,7% trước đó. Năm 2018, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này dự kiến tăng trưởng 0,8%. Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BoJ) cần duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức trên 2%. OECD cũng cho biết, việc thực hiện “một kế hoạch đáng tin cậy và chi tiết”, bao gồm một lộ trình tăng từng bước thuế tiêu dùng, là cần thiết đề duy trì niềm tin đối với tình hình “sức khỏe” tài chính công của Nhật Bản.
Triển vọng các nền kinh tế “siêu cường”
Dự báo kinh tế cho năm 2017 của các cơ quan nghiên cứu quốc tế đã thay đổi ngược hẳn so với các công bố trước về tác động của việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Ba tuần sau khi công bố kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, cơ quan tư vấn Ecofi Investments có trụ sở tại Paris (Pháp) đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 1,9% lên 2,7% cho năm 2017. Đồng thời, cơ quan này cũng nhận định rằng, các chương trình của ông Trump bao gồm các biện pháp tăng chi tiêu công cộng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo đà cho tăng trưởng, nhưng cũng sẽ đẩy nợ công của Washington lên cao.
 
Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng, về mặt chính sách, chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump phát huy chủ nghĩa dân tộc và đề nghị tăng chi cho hạ tầng cơ sở cùng giảm thuế và nới lỏng các quy định kiểm soát các doanh nghiệp. Điều này có thể giúp thúc đẩy đà tăng trưởng nhưng cũng gây hậu quả lạm phát.
Quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc Mỹ - Trung dự kiến sẽ là chủ đề chính trong năm 2017. Kết thúc năm 2016, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh gặp nhiều sóng gió khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ có chính sách thương mại cứng rắn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo đó, ông khẳng định sẽ áp đặt mức thuế cao hơn với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có những quyết sách ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, thông qua điều chỉnh nền kinh tế Bắc Kinh với mức nợ doanh nghiệp lớn và dư thừa công suất.
Karel Lannoo, CEO của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) khẳng định, ông Tập Cận Bình đối diện nhiều nhiệm vụ trong năm 2017, về cả kinh tế trong và ngoài nước. “Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại, tuy nhiên so với châu Âu, Bắc Kinh vẫn sẽ tiến nhanh hơn, xấp xỉ 6%. Vấn đề chính của quốc gia này là việc hạ giá nhanh chóng của đồng Nhân dân tệ và hệ thống tài chính ngập nợ, giảm dự trữ… cũng như tác động của các kế hoạch đầu tư của ông Trump vào châu Á”, CEO Karel Lannoo cho biết.