Hơn 1/3 lượng dầu thô thương mại vận chuyển bằng đường biển của thế giới hiện phải đi qua eo biển Hormuz. Ông Rahimi đưa ra đe dọa trên trong lúc Iran đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân gần eo biển Hormuz, cửa ngõ tiến vào vùng Vịnh nhiều dầu lửa.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Rahimi nói: "Nếu các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ Iran được thông qua, sẽ không có một giọt dầu nào được vận chuyển qua eo biển Hormuz. Chúng ta không mong muốn thù địch hay bạo lực, song phương Tây không muốn từ bỏ kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt. Kẻ thù sẽ chỉ từ bỏ các âm mưu của chúng khi bị chúng ta đẩy lùi". Tuyên bố nhấn mạnh sự sẵn sàng của Iran trong việc phong tỏa eo biển nhỏ hẹp chạy dọc theo bờ biển thuộc vùng Vịnh của nước này nếu Tehran bị các nước phương Tây tấn công hoặc siết chặt trừng phạt kinh tế. Eo biển Hormuz là con đường thông thương khoảng 40% lượng dầu của thế giới. Do đó, việc đóng cửa eo biển này sẽ gây ra tác động to lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Việc Chính phủ Iran vừa cảnh báo rằng nước này sẽ tiến hành đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz đã đẩy giá dầu Mỹ lên cao đáng kể trong phiên giao dịch ngày 27/12. Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2012 tăng 1,66 USD, đóng cửa ở mức 101,34 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1,31 USD, chốt ở mức 109,27 USD/thùng.
Giới đầu tư cho rằng chính động thái của nhà xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới này là nhân tố khiến giá dầu tăng vọt, bởi việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ không chỉ tác động đến nguồn cung dầu từ Tehran mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu của nhiều thành viên khác thuộc tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)
Mỹ bác bỏ lời đe dọa
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã lên tiếng bác bỏ lời đe dọa trên và cho rằng, Iran đang cố gắng đánh lạc hướng quốc tế khỏi vấn đề trọng tâm để tiếp tục lờ đi các quy định về hạt nhân của quốc tế. Chương trình hạt nhân của Iran từ lâu đã là tâm điểm tranh cãi giữa nước này với Mỹ và các đồng minh. Phương Tây nghi ngờ quốc gia Hồi giáo đang nghiên cứu sản xuất bom nguyên tử, tuy nhiên, Tehran khẳng định chương trình hạt nhân hoàn toàn vì mục đích hòa bình và kiên quyết theo đuổi.
Nhiều nhà ngoại giao và các nhà phân tích tin rằng chỉ có lệnh cấm vận nhằm vào ngành dầu mỏ của nước này mới đủ mạnh để thay đổi chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên Nga và Trung Quốc, các đối tác thương mại lớn của Tehran, đã ngăn chặn các động thái như vậy tại Liên Hợp quốc.
Những bình luận của Phó Tổng thống Rahimi diễn ra trong bối cảnh Hải quân Iran đang tiến hành cuộc tập trận Velayat 90 kéo dài 10 ngày trên vùng biển quốc tế tại eo biển Hormuz. Hệ thống tàu ngầm, ngư lôi, máy bay không người lái và nhiều thiết bị quân sự tối tân khác được triển khai trong cuộc diễn tập này. Zohreh Elahian, một nghị sĩ của Iran và là thành viên Ủy ban đối ngoại và an ninh quốc gia, cũng đưa ra tuyên bố rằng, cuộc tập trận được xem là một lời cảnh báo nghiêm túc đối với phương Tây về khả năng đóng cửa eo biển chiến lược.