Năm 2013, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,3%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chậm chạp trên thế giới và tốc độ tái cơ cấu diễn ra chậm cũng khiến tăng trưởng của Việt Nam bị giảm tốc. Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào thời kỳ tăng trưởng chậm dài nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới vào thập niên 1980 tới nay. Tăng trưởng GDP giảm từ 6,4% năm 2010 xuống 6,2% năm 2011 và 5,2% năm 2012. Gần 29.000 doanh nghiệp đã đóng cửa, thanh lý hoặc tạm dừng hoạt động trong nửa đầu năm 2013, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012 trong khi con số đăng ký mới là 39.000. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng một loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng như cắt giảm lãi suất, giãn, giảm thuế nhằm giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Song, từ đầu năm đến tháng 7/2013, tổng lượng tín dụng bơm vào nền kinh tế mới chỉ tăng 5%, thấp hơn mức kế hoạch cả năm 12%. Một nguyên nhân tín dụng kém sôi động là vấn đề nợ xấu và tình hình tài chính doanh nghiệp còn kém. Theo WB, cán cân thương mại và cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, nhưng mức thấp hơn năm 2012, thành tích vĩ mô của Việt Nam vẫn chưa chắc chắn và vẫn đối mặt với một số rủi ro. Về chính sách tiền tệ, WB cũng lưu ý việc nới lỏng chính sách này sẽ làm gia tăng quan ngại về chất lượng tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu, trong đó tập trung vào doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng. Lạm phát giảm liên tục trong vòng 2 năm qua và dừng ở mức 7,3% vào tháng 7/2013 (lạm phát tính theo năm), cán cân thương mại thặng dư nhờ xuất khẩu tăng nhanh, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng từ 1,6 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2011 lên 2,8 tháng trong quý I/2013. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng gần 18% năm 2012 và khoảng 19% trong 7 tháng đầu năm 2013 sau khi giảm liền hai năm 2010 và 2011. WB cũng cho rằng, tuy mức nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép, Việt Nam vẫn cần phải kiểm soát bội chi nhằm đảm bảo tính bền vững tài khóa trung hạn. Nhìn rộng ra khu vực, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB, cho rằng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu kinh tế toàn cầu, đóng góp tới 40% tăng trưởng GDP toàn thế giới, cao hơn bất kỳ khu vực nào khác. Nếu không tính Trung Quốc (dự kiến tăng 7,5% năm nay), tăng trưởng dự tính trong khu vực năm 2013 sẽ đạt 5,2% và năm 2014 sẽ đạt 5,3%.