Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam, thế và lực mới sau ngày thống nhất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, trên hành...

Kinhtedothi - Từ sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, từng bước vượt qua khó khăn, đạt những thành quả kinh tế to lớn cả về quy mô, cơ cấu và cơ chế quản lý.

Kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển cả về bề rộng và bề sâu. Niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng, niềm tin thị trường và tín nhiệm quốc gia ngày càng đuợc cải thiện.
Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long.  	Ảnh: Nguyễn Đức
Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đức
Mức tăng trưởng GDP bình quân năm tăng từ 4,4% giai đoạn 1986 - 1990 lên trên 7,4%/năm suốt giai đoạn 1991 - 2005 và khoảng 6%/năm trong 10 năm qua. Cơ cấu nền kinh tế hiện nay: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18,12%, công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%, dịch vụ chiếm 43,38%, so với tương ứng của năm 1986 là: 30,06%, 28,88%, 33,06%.

Nền tảng pháp lý cho việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang xây dựng nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN ngày càng đồng bộ và vững chắc, thông thoáng, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và sở hữu tài sản hợp pháp, tạo thuận lợi kinh doanh cao nhất cho DN trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Các hình thức sở hữu, loại hình DN và các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng; Vai trò, hiệu quả của các chủ thể, các loại hình DN trong nền kinh tế ngày càng nâng lên; từng bước hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, đồng thời có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Nhà nước quản lý các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế ngày càng chủ yếu bằng các công cụ pháp luật và kinh tế, hạn chế can thiệp hành chính trực tiếp vào nền kinh tế; tăng cường công tác giám sát, giảm các tác động tiêu cực của thị trường; phát huy vai trò tích cực trong việc định hướng và thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, hội nhập kinh tế - xã hội; giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng XHCN. Quản lý tài chính công được đổi mới và từng bước được hoàn thiện. Công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Chế độ công chức, công vụ được cải tiến. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước từng bước được tăng cường.

Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, 90% số việc làm và 39% tổng đầu tư toàn xã hội. Trong giai đoạn 2008 - 2013, đã có 457.000 DN được thành lập mới, tăng 30% so với cả giai đoạn 1991 - 2007.

Hệ thống các DN Nhà nước được đổi mới, sắp xếp lại; hình thành các tổng công ty và một số tập đoàn kinh tế ở những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế; đồng thời, thu hẹp những lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Phương thức hoạt động của các HTX bước đầu được đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường và các nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi và phát triển cộng đồng. Một số HTX hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 170 nước; có quan hệ thương mại với trên 230 nước và vùng lãnh thổ; đã ký kết trên 90 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; đã ký 8 FTA và kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan 3 nước là Nga, Belarus và Kazakhstan và với Hàn Quốc; đang đàm phán 6 FTA khác. Hết năm 2013 có 45 nước đã công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (XK) chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần hàng XK thô. Tốc độ tăng XK gần như liên tục đạt 2 chữ số. Quy mô XK bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 11,7 USD, năm 1990 đạt 36,4 USD, năm 2000 đạt 186,6 USD, năm 2005 đạt 393,8 USD, năm 2010 đạt 830,5 USD, thì năm 2012 đạt 1.291 USD và năm 2013 đạt 1.450 USD, tức cao gấp gần 124 lần năm 1985. Tỷ lệ XK so với GDP tăng khá nhanh: Năm 1985 mới đạt 5%, năm 1995 đạt 26,2%, năm 2000 đạt 46,4%, năm 2005 đạt 61,1%, năm 2007 đạt 64,7%, năm 2012 đạt 73,8% và năm 2013 đạt trên 75%, cao hơn tỷ lệ của Đông Nam Á, cao gấp 3 lần tỷ lệ của châu Á và thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới. Kim ngạch XK năm 2013 cao gấp 186,1 lần năm 1985. Năm 2014, tổng kim ngạch hàng hóa XK đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% (loại trừ yếu tố giá, tăng 9,1%) so với năm 2013. Việt Nam có trên 20 mặt hàng XK có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh. Cân bằng ngoại thương ngày càng được cải thiện, năm 2012 - 2014 đã liên tục xuất siêu, với mức tăng dần từ 284 triệu USD năm 2012 lên 863 triệu USD năm 2013 và khoảng 2 tỷ USD trong năm 2014.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có nhiều tiến bộ; hết năm 2014, cả nước có 1.843 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký 16,5 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2013; có 749 lượt dự án đăng ký tăng thêm 5,41 tỷ USD, bằng 68,8% năm 2013. Lũy kế đến hết tháng 7/2014, cả nước có gần 17.000 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 240 tỷ USD, lượng vốn thực hiện khoảng 110 tỷ USD. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam; trong đó có 16 nước và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký (còn hiệu lực) đạt trên 1 tỷ USD (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Đức, Pháp, Australia…). Tất cả 63 tỉnh, TP của cả nước đều có vốn FDI, trong đó có 27 tỉnh, thành có số vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD. Khu vực FDI hiện đã chiếm trên 18% GDP và 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, 66,2% kim ngạch XK, giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1,7 triệu lao động. Hiện có gần 30 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn rót vào nội địa khoảng 2 tỷ USD. Tổng ODA từ năm 1993 đến nay đạt trên 78 tỷ USD vốn cam kết, trên 40 tỷ USD vốn giải ngân. Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm, với trên 11 tỷ USD năm 2013.

Từ nước nhận đầu tư một chiều, gần đây, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng nhanh. Đến 31/12/2014, đã có 930 dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 14,85 tỷ USD. Cùng với đó, 92 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 4,93 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) đạt 19,78 tỷ USD.

Đặc biệt, từ năm 2010, Việt Nam đã chính thức ra khỏi tình trạng nước kém phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10% vào cuối năm 2013, so với mức 22% năm 2006. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2014 là 2,08%.

Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn tất cả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015. Năm 2012, Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam thuộc 8 quốc gia đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu MDG4 về giảm tử vong trẻ em; thuộc 9 quốc gia đạt tiến độ thực hiện về Mục tiêu MDG5 về giảm tử vong mẹ; xếp thứ 27/101 nước đang phát triển về năng lực giảm nghèo của các quốc gia (gọi tắt là CPM), trên cả Indonesia,Malaysia, Philippines, Thái Lan. Tuổi thọ trung bình của nguời Việt Nam hiện là 74 tuổi.

Những chuyển động tích cực đang mở ra những cơ hội, động lực, triển vọng và những kỳ vọng mới cả về luợng và chất trong phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh...