Kinh tế Việt Nam Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là những tác động xấu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá. Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững trong thời gian tới, đó là vấn đề được đưa ra phân tích tại Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”, diễn ra chiều 5/12 tại Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Ảnh hưởng từ các nền kinh tế

Tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, số liệu vừa cập nhật của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7,02%, tăng khá cao và lạc quan so với dự báo 6,82% được chính CIEM đưa ra 3 tháng trước.

Tuy nhiên, là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao... sẽ mang đến những thách lớn khó lường.

 Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế 2019.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông tin, dù xếp hạng của Ngân hàng thế giới cho thấy Việt Nam đã tăng 5 bậc về thể chế từ 94 lên 89, nhưng với xếp hạng 89/140, vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến thể chế. Năm nay, mức độ tăng trưởng của nền kinh tế 7% là khả thi và các dự báo cho năm tới sẽ ở mức tối đa là 6,8%. GPI năm nay sẽ ở mức khoảng 3% và năm tới khoảng 3,5%.

Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, chúng ta có kỳ vọng rằng Việt Nam trở thành nơi thu hút dòng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang và sẽ được hưởng lợi từ điều này. Nhưng cũng đúng như nhận định từ đầu năm, lợi ích từ hướng này không lớn.

Cụ thể, hai tháng 10 và 11/2019 cho thấy, dòng FDI về cuối năm giảm mạnh, nhưng Trung Quốc lại trở thành nhà đầu tư đứng đầu. Đầu tư từ Hồng Kông tăng 3,9 lần còn từ Trung Quốc tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2018. Trong 11 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018, số dự án mới tăng nhưng số vốn lại giảm 7%; số dự án điều chỉnh vốn cũng tăng nhưng số vốn lại giảm 10,7%.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, dòng FDI vào từ các nhà đầu tư phương Tây dịch chuyển từ Trung Quốc sang nhằm tránh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung như dự báo ban đầu tăng không nhiều. “Lý do vì Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh, cơ sở hạ tầng kém, logistics yếu và chi phí cao” - Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nói.

 TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Trong khi đó, dòng FDI của Trung Quốc lại tăng mạnh. Đây là những nguy cơ về đội lốt hàng Việt, thôn tính thương hiệu Việt rồi xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Điều này đang gây bất lợi cho cạnh tranh của hàng Việt với hàng Trung Quốc ngay tại Việt Nam. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều chuỗi bán lẻ mọc lên khi có thương chiến Mỹ-Trung và phần nhiều trong số đó bị phát hiện là hàng Trung Quốc chứ không phải hàng Việt.

Cũng theo ông Sơn, có dấu hiệu dòng vốn mà Việt Nam kỳ vọng từ phương Tây không đạt nhiều, trong khi dòng vốn từ Trung Quốc ít đem lại lợi ích lại gia tăng.

Tập trung vào các ngành nghề truyền thống

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã thảo luận về xu hướng đầu tư, kinh doanh năm 2020 và những giải pháp về thể chế.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI đã đưa ra 5 lĩnh vực kinh doanh sẽ “lên ngôi” trong năm 2020.

Theo đó, lĩnh vực kinh doanh đầu tiên là ngành hàng tiêu dùng. Ông Linh cho biết, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn và những nhà đầu tư Thái Lan đang tận dụng cơ hội đầu tư. “Khi tiếp xúc với doanh nghiệp Thái Lan sang tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy họ thường quan tâm tới ngành hàng tiêu dùng với các doanh nghiệp như PNJ, Vinamilk… là chính. Điều đó chứng tỏ tiềm năng của những ngành hàng này là rất lớn” – ông Linh nói.

 Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI

Mảng thứ hai sẽ là ngành du lịch và những ngành phát triển hưởng lợi từ du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng +39% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng cao nhất 23 tháng. Sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc là động lực chính với mức tăng +77%. Bên cạnh đó, nhiều thị trường khác cũng có tăng trưởng cao như Đài Loan (+37,5%), Thái Lan (+42,9%)…Khi khách du lịch tăng thì các sản phẩm dịch vụ tăng. GDP của lĩnh vực lưu trú và ăn uống là tăng xấp xỉ bằng GDP của cả nước.

Thứ ba là ngành vận tải logistics. Điểm này rất khác so với thời điểm 2012-2013. Tăng trưởng của ngành kho bãi cứ năm sau tăng cao hơn năm trước, có do nhiều yếu tố nhưng phần lớn là do tăng trưởng xuất nhập khẩu trong những năm gần đây đã tạo ra lưu lượng hàng hoá giao thương trong những năm gần đây.

Thứ tư là ngành xây dựng và vận liệu xây dựng. Năm 2020 ngành này sẽ có sự tăng trưởng cao hơn. Bởi, trong 2 năm vừa qua tốc độ giải ngân đầu tư công rất chấp nhưng sau 2 năm tháo gỡ khó khăn thì đến năm 2020 sẽ tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn từ tư nhân sẽ tạo ra bước đệm rất lớn cho ngành.

Thứ năm là ngành nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp. "Năm 2019, tăng trưởng của ngành có chậm lại vì đây là một năm khô hạn. Nhưng thường sau 1 năm khô hạn thì năm sau tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan khác cũng sẽ tích cực hơn" - ông Linh nói.

Còn theo TS Vũ Tiến Lộc, năm 2020, cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản), lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế), các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ).

Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)... được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.

Về dòng vốn cho doanh nghiệp, theo TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp đang có ít nhất 6 dòng vốn khác nhau, bao gồm: Tiền ngân sách; vốn từ đối tác; vốn nước ngoài; tín dụng và bảo lãnh; huy động từ thị trường vốn và cuối cùng là vốn tự có và vốn đóng góp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến nguồn vốn từ cho thuê tài chính. Hiện tại ở Việt Nam, có 12 công ty cho thuê tài chính đang hoạt động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần