Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế- xã hội Việt Nam qua những số liệu thống kê

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2009 khép lại với nhiều biến động, đặc biệt là những khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp, thị trường vốn, thị trường lao động cũng chịu những tác động không nhỏ trong khi bão lũ xảy ra liên tiếp, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương.

KTĐT - Năm 2009 khép lại với nhiều biến động, đặc biệt là những khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp, thị trường vốn, thị trường lao động cũng chịu những tác động không nhỏ trong khi bão lũ xảy ra liên tiếp, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Tuy nhiên kinh tế cả nước vẫn đạt mức tăng trưởng 5,32%. Đó là số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố ngày 31/12.

Số liệu thống kê tổng hợp cũng cho thấy những dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế khi sản xuất công nghiệp năm 2009 đã thoát khỏi tình trạng trì trệ của những tháng đầu năm và cả năm đã lấy lại đà tăng với mức tăng 7,6%. Trong khi đó sản xuất nông nghiệp ghi nhận một năm được mùa với sản lượng lúa cả năm đạt gần 39 triệu tấn, tăng 165,7 nghìn tấn so với năm 2008.  Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch& Đầu tư kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Cân đối kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Mặc dù nguồn vốn  nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài giảm sút nhưng đầu tư trong nước đã được khơi thông nên tính chung vốn đầu tư phát triển cả năm đạt hơn 704 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008. Thu ngân sách đạt dự toán cả năm và bội chi ngân sách bảo đảm không vượt quá 7% GDP (mức mà Quốc hội đề ra). Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2009 so với tháng 12 năm 2008 tăng 6,52%, thấp hơn mục tiêu 7% mà Quốc hội đã thông qua. Chỉ số giá bình quân năm 2009 là 6,88%, thấp nhất trong 6 năm gần đây. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,4% năm 2008 xuống còn 11,23%. Các mặt văn hóa, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực xã hội khác cũng đạt được những thành tích vượt trội, đặc biệt là trong các kỳ thể thao: Thể thao châu Á, AIG 3, Sea game 25...

Tuy nhiên, cũng qua kết quả thống kê cũng cho thấy, mặc dù kinh tế đã tăng, vượt qua giai đoạn suy giảm nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả nên tăng trưởng chưa vững chắc. Tỷ lệ đầu tư so với GDP của că năm 2008 và 2009 là 41,3% và 42,8% nhưng tốc độ tăng  GDP 2 năm chỉ đạt 6,18% (năm 2008) và 5,32% (năm 2009) cho thấy khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của nhiều ngành, nhiều sản phẩm còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Bên cạnh đó mức thâm hụt ngân sách tuy được khống chế nhưng đã lên tới 7% GDP, nhập siêu hàng hóa vẫn bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nhập siêu dịch vụ vằng 18,5% kim ngạch nhập khẩu dịch vụ và tăng 17% so với năm 2008. Lạm phát tuy được khống chế nhưng nhìn chung giá cả ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát.

Cũng trong dịp này những số liệu thống kê sơ bộ trong cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở cũng được công bố, theo đó vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số Việt Nam là gần 85,8 triệu người. Đặc biệt qua số liệu thống cũng chỉ ra Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, thời kỳ mà nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gần gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. So với kết quả của cuộc Tổng điều tra năm 1999, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33% năm 1999 xuống còn 25% trong năm 2009. Trong khi đó, tỷ trọng dân số của nhóm 15-59 tuổi tăng từ 58% năm 1999 lên 66%. Còn nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 8% lên 9% tương ứng trong hai cuộc tổng điều tra. Cả nước hiện có 43,8 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 51,1% dân số (trong đó, thành thị có 11,9 triệu người - chiếm 27%, nông thôn có 31,9 triệu người- chiếm 73%). Theo khuyến nghị của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, thì thời kỳ này chỉ diễn ra một lần trong một thế hệ và thường chỉ kéo dài trong vòng 15-30 năm, hoặc 40 năm, tuỳ thuộc vào việc kiềm chế mức sinh. Chính vì vậy, trong thời kỳ này, Việt Nam cần có các chính sách tạo nên một lực lượng lao động vàng, có chất lượng, đưa đất nước phát triển.