Dự án có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương); vốn nhà đầu tư thu xếp: 5.529 tỷ đồng. Giá trị phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình là 3.719 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí là 25 năm 8 tháng..
Tập đoàn Đèo Cả đại diện cho liên danh nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng và có kế hoạch bố trí ngân sách địa phương đảm bảo tiến độ. Phần vốn còn lại trị giá khoảng 5.529 tỷ đồng đã được các nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng, trong đó có 4.423 tỷ đồng ngân hàng TP Bank đã đồng ý cấp tín dụng cho dự án theo cam kết thu xếp tài chính.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và Thành phố Lạng Sơn với tổng chiều dài 60km. Tuyến đường bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5m.
Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này góp phần kết nối hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng cũng góp phần phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn, như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ...