Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Cần những giải pháp căn cơ, bền vững hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/3, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Ghi nhận nỗ lực trong điều hành quản lý của Chính phủ để duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định về an ninh chính trị, tuy nhiên, nhiều ĐB bày tỏ sự băn khoăn và đề nghị cần có những giải pháp căn cơ hơn đối với những yếu kém trong quản lý Nhà nước, nợ công, cổ phần hóa chậm và chủ quyền biển đảo

Quản lý còn nhiều yếu kém

Theo ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), dù Việt Nam đã nỗ lực cải cách thể chế, nhưng hiện nay có 2 khâu yếu là cải cách nền hành chính chưa hiệu quả, tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh. Trong khi đó tinh giản bộ máy là nhiệm vụ sống còn của sự phát triển kinh tế - xã hội. Bộ máy cồng kềnh thì không thể giảm chi thường xuyên, giảm nợ công. ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, quản lý thị trường yếu kém, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, người dân khóc vì trồng hành tím, khoai lang nhưng không bán được. “Tôi đề nghị những bất cập trên không nên chỉ dừng ở việc rút kinh nghiệm. Chính phủ cần đánh giá lại, chỉ rõ Bộ nào phải chịu trách nhiệm, cần thiết thì quy thẳng vào luật” - ĐB Bùi Thị An nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ  sáng 24/3.  	Ảnh: Nguyễn Khánh
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ sáng 24/3. Ảnh: Nguyễn Khánh
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) nhận định, thời gian qua cơ cấu thu chi ngân sách và nợ công còn có nhiều điểm bất hợp lý. Bội chi ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, nợ công tăng nhanh và đang tiệm cận mức trần cho phép. Ngân sách Nhà nước còn nợ nhiều khoản chi. Với bất ổn này, nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa thực sự bền vững. ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, sức khỏe của hệ thống DN là thước đo sức khỏe nền kinh tế, nhưng hiện công tác sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa DN rất hạn chế. Xét về số lượng, nhiều DN cổ phần hóa, nhưng số  lượng, tỷ trọng bán ra rất ít. Nhiều tổng công ty lớn chỉ cổ phần hóa còn mang tính chất đối phó.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn những tồn tại chưa chỉ rõ nguyên nhân. Cụ thể, nhiều thông tin cho rằng có lợi ích nhóm, vậy "thực tế có lợi ích nhóm không. Tại sao nói có mà chưa chỉ ra được nhóm nào", bà đặt câu hỏi và băn khoăn "liệu lợi ích nhóm có chi phối chính sách, làm lũng đoạn chính sách. Lợi ích nhóm có tới diễn đàn Quốc hội. Và đây có phải nguyên nhân chúng ta không tiếp thu được những ý kiến, hiến kế của chuyên gia". Do đó, ĐB Tâm đề nghị phải cải tổ bộ máy, cải tổ hệ thống từ T.Ư xuống địa phương, phân cấp phân quyền phải mạnh mẽ hơn, từ đó mới tính đến giảm biên chế một cách căn cơ, lâu dài, bền vững. Còn giảm biên chế như hiện nay chỉ là cái ngọn.

Cần dự báo chiến lược về Biển Đông

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần tính sớm giải pháp với chủ quyền biển đảo và có dự báo chiến lược về Biển Đông. ĐB Trương Thị Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, dù giữ vững an ninh, chủ quyền là thành tựu lớn của nhiệm kỳ 2011 - 2015 thế nhưng tình hình Biển Đông vẫn khiến bà trăn trở. Những biến động trên Biển Đông, việc tàu cá của ta bị va chạm trên biển mới chỉ dừng ở tuyên bố của người phát ngôn. Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, căn cơ hơn.

ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sau những biến động trên Biển Đông thời gian qua, Chính phủ "cần phải nói rõ nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng thế nào đến đất nước trong 5 năm tới". Thiếu dự báo, Việt Nam sẽ không có được chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, gắn chặt với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc dự báo cụ thể sẽ giúp Việt Nam chủ động trong đường lối đối ngoại cũng như điều hành để phát triển đất nước. Trong khi đó, ĐB Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) cho rằng “có lẽ chúng ta chưa đủ kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền Biển Đông”, đồng thời đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không sử dụng sức mạnh là luật pháp quốc tế để kiện Trung Quốc?".

Liên quan đến nội dung này, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), muốn bảo vệ đất nước không có cách nào khác phải dựa vào dân, bởi “không có vũ khí nào thay thế được Nhân dân, mạnh bằng Nhân dân”. Bên cạnh đó, cần dựa vào bạn bè và đồng minh để bảo vệ chủ quyền. ĐB Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng ta có thể không tham gia vào các liên minh quân sự - liên minh cứng, nhưng ta có thể xây dựng, tham gia vào các “liên minh mềm”. Liên minh mềm là việc tôi cần anh và anh cần tôi, và về chiến lược lâu dài tôi với anh không có xung đột về lợi ích” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm và cho rằng đường lối của Đảng cũng đã đi theo hướng này rồi.
Đề cập đến vấn đề phòng chống tham nhũng, ĐB Đỗ Kim Tuyến (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, cơ chế chính sách để phòng chống tham nhũng thì đã hoàn thiện tương đối. Tuy nhiên, vai trò của các cơ quan chuyên trách trong phòng chống tham nhũng cũng cần đánh giá rõ hơn và các giải pháp phải mang tính tích cực hơn để chống tham nhũng hiệu quả. Cuối năm vừa rồi, chúng ta vẫn nói đường dây nóng phòng chống tham nhũng nhiều nhưng không hiệu quả, dân rất băn khoăn. Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi trình bày trả lời của T.Ư với cử tri nhưng cử tri không hài lòng.