Có lẽ chính vì tính nhút nhát này mà cháu không thể hòa đồng cùng các bạn cùng trang lứa, không bao giờ dám bày tỏ chính kiến của mình. Chị bảo chị rất sợ con bị thiệt thòi, nên lúc nào anh chị cũng phải đi theo, phải hỗ trợ con, không dám “thả” con ra với cuộc sống. Nhưng chính cái tâm lý ấy, đã tác động đến tâm lý và hành động của con chị, không tạo ra những động lực để cháu cố gắng khắc phục, mà dường như con trai chị ngày càng thu mình vào “vỏ ốc”.
Nghe câu chuyện của chị, nhiều người bảo, chị đã sai trong cách “huấn luyện” con rồi, phải để con tự tin mà đứng trên đôi chân của mình chứ và biết yêu chính mình. Nhưng để làm được việc ấy phải được tích lũy từ nhỏ, bằng những chỉ bảo và tấm gương đúng nhất.Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự tự tin đến từ chính sự tự lập trong cuộc sống, ngay từ nhỏ sự tự lập trước hết là tự phục vụ bản thân, xa hơn là biết tự giải quyết các vấn đề cá nhân ngoài xã hội và xây dựng tương lai. Bởi thế, giải pháp đầu tiên là bố mẹ cần tránh bao bọc con, ngược lại nên tin tưởng khả năng của con và khích lệ con làm. Chẳng hạn khi trẻ té ngã, người lớn đừng vội đỡ trẻ dậy ngay, trừ phi tự bản thân trẻ không thể. Từ những việc như thế, hãy để trẻ có cơ hội tự làm những việc phục vụ bản thân mình như mặc quần áo, chuẩn bị sách vở... Thực tế cũng cho thấy rằng, trẻ em được vui chơi nhiều hơn ngoài trời sẽ tự tin, năng động hơn. Bởi chính trong môi trường vui chơi, sẽ hình thành cho trẻ những kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc người thân... Đó là những kỹ năng quan trọng nhất, là chìa khóa tác động đến tất cả những mối quan hệ, hành động trong cuộc sống sau này và vượt qua sự nhút nhát.Cùng với đó, hãy dạy trẻ tìm ra ít nhất một điều mà trẻ cảm thấy tự hào về chính mình, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời tự tin thừa nhận bản thân. Từ đó, đặt ra mục tiêu cho bản thân mà trẻ có thể đạt được và hãy bắt đầu với một mục tiêu dễ dàng và phù hợp nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, tính tự lập, sự tự tin chỉ nên hướng dẫn, không nên áp đặt và cần phù hợp độ tuổi. Và trên hết, người lớn đừng đặt ra những kỳ vọng quá cao ở trẻ khiến trẻ thấy rằng mình có cố gắng đến đâu thì bố mẹ cũng không bao giờ hài lòng, từ đó sẽ càng rụt rè và nhút nhát hơn nữa. Nên thật lòng khen ngợi trẻ vì những thành quả hoặc tiến bộ đạt được dù là nhỏ nhất trong mọi hoạt động. Nếu có được sự tin và hòa nhập, trẻ em sẽ trở thành một người lớn có tính độc lập, thể hiện đúng khả năng của mình trong cuộc sống...