Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga: Nhớ về một người Nga trên công trường điện Phả Lại

Nguyễn Tất Lộc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đó mà đã hơn 3 thập kỷ, hồi ấy công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại là trọng điểm số 1 của quốc gia với mục tiêu nhanh chóng có thêm nguồn điện để phục vụ công cuộc hiện đại hóa nền công nghiệp nước nhà.

Tại đây, có 1 người Nga tính tình cởi mở, điềm đạm, sâu sát và thân thiện từ các nhà quản lý, kỹ thuật cho đến cánh thợ lao động, đó là Victo Andrey Gra-chov - Trưởng đoàn chuyên gia chỉ đạo công tác xây lắp toàn bộ Nhà máy.

Công việc của một Trưởng đoàn chuyên gia thì nhiều, nhưng V.A.Gra-chov biết nắm bắt từng công việc, phát hiện từng đường găng trong giai đoạn thi công đề ra các giải pháp hữu hiệu. V.A.Gra-chov không nề hà công việc dù cực nhọc hay thời tiết mưa- nắng thất thường. Ông luôn có mặt tại tất cả các hạng mục trên công trình và thường xuyên tham dự các cuộc họp giao ban nội bộ của các đơn vị thi công, cùng với kỹ sư Việt Nam tìm biện pháp giải quyết các khó khăn về kỹ thuật - vật tư một cách tỉ mỉ, sâu sát. Nhiều lần, V.A.Gra-chov đã tự mình lái xe xuống tận cảng Hải Phòng để điều đình với Cảng xin được ưu tiên vận chuyển thiết bị cần thiết về công trường kịp đáp ứng yêu cầu tiến độ lắp đặt Tổ máy.
V.A.Grachov (áo đen) chia sẻ niềm vui khi hoàn thành Nhà máy
Đối với công tác thi công, Gra-chov luôn luôn lập kế hoạch và dự tính trước tất cả các bước công việc để từ đó chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị phương tiện đáp ứng kịp thời cho các kíp thợ thi công. Bên cạnh đó, Ông phối hợp cùng các chuyên gia Nga tổ chức hướng dẫn đào tạo cho thợ Việt Nam học tập rèn luyện nâng cao tay nghề. Chính nhờ vốn kinh nghiệm phong phú đã “tích góp” được sau Nhiệt điện Phả Lại mà một số lớn thợ trên công trình đã trưởng thành trong việc xây dựng các công trình lớn khác ở Hòa Bình và Trị An.

Tết Đinh Dậu vừa qua tình cờ tôi gặp lại AHLĐ Nguyễn Văn Ninh, cuộc gặp gỡ khiến tôi nhớ tới bài phóng sự dự thi năm nào với tựa đề “Người thợ có đôi bàn tay vàng”. Hồi ấy, toàn bộ thiết bị tổ máy số 1 của Nhiệt điện Phả Lại đã tập kết trên sàn gian máy chính, duy chỉ có cánh turbine còn vướng mắc phần cánh động chưa khớp với cánh tĩnh, nhưng cách khắc phục lại không cho phép sửa chữa bằng cơ khí máy móc. Lúc ấy, Nguyễn Văn Ninh được Tổng chuyên gia Gra-chov tin tưởng giao cho việc rà, cạo cánh turbine bằng phương pháp thủ công. Với đức tính cần mẫn và kiên nhẫn, trong suốt mấy tuần lễ liên tục Nguyễn Văn Ninh miệt mài gọt, dũa thiết bị bất kể ngày - đêm, ăn ngủ ngay tại hiện trường cho đến khi các chuyên gia thiết bị nghiệm thu đạt chuẩn. Tương tự như vậy, vị tổng chuyên viên V.A.Gra-chov cũng thường xuyên qua lại xem xét nơi tốp thợ của Nguyễn Văn Ninh làm việc.

Vài năm sau khi Nhiệt điện Phả Lại đi vào vận hành, V.A.Gra-chov được Nhà nước Việt Nam phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, tôi tìm đến chia sẻ niềm vui với Ông và hỏi: “Trong 7 năm công tác tại công trình, điều gì gây ấn tượng nhất đối với Ngài?” – Gra-chov hóm hỉnh nói: “Ồ, tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trên công trường này, nhưng đặc biệt ấn tượng trong đó phải kể đến đôi bàn tay vàng của Nguyễn Văn Ninh …”

Nhiệt điện Phả Lại là nhà máy lớn nhất cả nước trong thập kỷ 80-90. Đây cũng là tâm điểm cho thông tin, truyền thông quan tâm dõi theo. Tất cả các lực lượng xây lắp trên công trường đang dồn sức thi công để tổ máy số 1 phát điện đúng tiến độ. Hiềm nỗi, thời tiết tại thời điểm này đang vào mùa mưa lũ, mọi tuyến đường dẫn đến công trình đều bị cản trở do ngập lụt, sạt lở. Dù vậy, nhóm phóng viên chúng tôi vẫn gắng sức vào tận trong công trường để tìm hiểu sự kiện được quan tâm lúc ấy là sự cố phát sinh ở hạng mục bơm dầu và ống đốt lò hơi. Cùng tham gia khắc phục sự cố với Chủ đầu tư và Ban điều hành thi công tất nhiên không thể thiếu vị Trưởng đoàn chuyên gia. Chính Gra-chov đã quyết định cho chạy quạt gió và quạt khói cùng một lúc vào lò để tẩy hơi axit ra khỏi buồng đốt, thông rửa xong xuôi đảm bảo an toàn cho con người và máy móc. Lòng nhiệt tình lao động quên mình của ông đã khích lệ các chuyên gia Liên Xô khác trên công trình tự nguyện bỏ chế độ nghỉ thứ 7 hàng tuần cùng tham gia làm ca kíp với công nhân Việt Nam để sớm đưa Nhà máy vào hoạt động.

Vào cuối năm 1986, trong lúc nhịp độ thi công Nhà máy thủy điện Trị An ở phía Nam đang vào giai đoạn gấp rút thì chiếc cần cẩu BK1000 bị gãy tay cần gây khó khăn cho công tác thi công các hạng mục liên quan và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công chung toàn công trình. Hay tin ấy, V.A.Gra-chov thoáng bàng hoàng bởi khi đó loại cần cẩu đặc chủng này vừa mới xuất hiện ở Việt Nam và mới chỉ được đưa vào sử dụng tại 2 công trình Trị An và Phả Lại nên việc sửa chữa, thay thế thiết bị rất phức tạp, khó khăn. Gra-chov coi việc hỗ trợ, giúp đỡ phía Việt Nam khắc phục sự cố là trách nhiệm của mình, do đó Ông lập tức bắt tay tìm biện pháp giải quyết và phát hiện ra một số loại vật tư thép trên công trường Phả Lại có cùng chủng loại vật liệu có thể thay thế cho tay cần tại Trị An. Vì thế, Ông đã đề xuất cho nhóm chuyên gia Nga phối hợp với các kỹ sư công nhân Việt Nam cùng nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị thay thế. Giữa thời tiết nóng như thiêu như đốt ở Phả Lại, với cái tuổi 60 của mình, Gra-chov vẫn tự mình trèo lên cần cẩu BK1000 đang thi công trên công trường để đo đạc, lấy mẫu và xem xét mọi chi tiết sau đó tỉ mỉ hướng dẫn cho nhóm chuyên gia Liên Xô cùng kỹ thuật Việt Nam chế tạo thành công tay cần. Sau đó, cũng chính ông và kỹ sư Pe-trov từ Phả Lại gấp gáp vận chuyển thiết bị vào tận công trình Trị An lắp ráp để kịp cho cần cẩu vận hành. Kết thúc chuyến công tác ấy, Gra-chov coi như mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

V.A.Gra-chov luôn luôn thân thiện, gần gũi các nhóm thợ lao động nhờ những câu chuyện tiếu lâm hài hước khiến bầu không khí làm việc giữa cánh thợ thêm phấn khởi ấm áp, giúp mọi người quên đi những mỏi mệt căng thẳng trong công việc. Gra-chov đã thu phục lòng người bằng sự chân thành cởi mở mà thẳng thắn, đặc biệt tính cách quyết đoán nhưng đôn hậu của ông cũng góp phần uốn nắn, sửa chữa những cá tính hời hợt, thiếu trách nhiệm… Nhân lúc thư giãn, có công nhân thắc mắc với Gra-chov rằng sao ông lại thạo việc của người thợ như vậy? - ông tủm tỉm cười: “Bản thân tôi, trước hết là một người thợ. Sau nhờ các lớp đại học ban đêm tại Mat-xcơ-va đã giúp tôi trở thành kỹ sư. Nếu đồng chí muốn thì cũng sẽ trở thành kỹ sư như vậy”. Thì ra, sự quý trọng của nhiều công nhân Việt Nam đối với V.A.Gra-chov chính là ở chỗ đó.

Hành trình lao động và cống hiến tâm - sức cho đời của vị Tổng chuyên viên người Nga Victo Andrey Gra-chov trên công trường xây dựng Nhiệt điện Phả Lại đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về tinh thần lao động đầy trách nhiệm và tình hữu nghị cao cả. Dù có 5 năm quen biết và làm thân với Gra-chov nhưng mãi tới cuộc chia tay trên chuyến phà đi qua sông Lục Đầu, tôi mới được biết rằng vào năm 1957 Gra-chov đã từng sang Việt Nam để xây dựng Nhiệt điện Lao Kay - “Hai tiếng Việt Nam đã trở nên gắn bó với cuộc đời tôi, không thể phai mờ!” - V.A.Gra-chov xúc động nói.