Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Thường Tín đã lãnh đạo Nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế - xã hội của huyện phát triển đồng bộ, bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tính đến hết tháng 6/2019, giá trị sản xuất (SX) công nghiệp - xây dựng của huyện đạt 9.160 tỷ đồng, tổng giá trị SX nông nghiệp đạt 642 tỷ đồng. Cho đến nay, toàn huyện đã có 48 làng được công nhận làng nghề, 10 cụm công nghiệp với 180 DN và hàng ngàn hộ SX kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo giá trị SX đạt 7.421 tỷ đồng (6 tháng năm 2019).
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Thường Tín đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2010. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87%. 100% hộ dân đã sử dụng nước hợp vệ sinh, 61,4% gia đình được sử dụng nước sạch. Số hộ nghèo trên địa bàn hiện còn chiếm tỷ lệ 0,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 14,57% năm 2010 xuống còn hơn 5% năm 2018Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng |
Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 21 chợ và 2 siêu thị đảm bảo cho hàng ngàn tiểu thương kinh doanh, tạo việc làm cho thu nhập ổn định. Thời gian qua, hầu hết các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao và bước đầu hình thành các vùng chuyên canh như: Vùng SX rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại các xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến… Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 mô hình liên kết trong SX nông nghiệp giúp người dân thay đổi nhận thức tích cực tạo ra những sản phẩm chất lượng, thương hiệu.
Thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29/8/2010 của Thành ủy về “phát triển nông thôn, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân giai đoạn 2011 - 2015”, tính đến cuối năm 2018, toàn huyện đã có 24/28 xã đạt chuẩn NTM, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ diện mạo vùng nông thôn theo hướng văn minh, tiến bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hiện, huyện đang tập trung phấn đấu để đến hết năm nay 4 xã cuối cùng đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 sẽ trở thành huyện NTM.
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế, huyện Thường Tín cũng luôn coi trọng, quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, thúc đẩy phát triển toàn diện, vững chắc. Nhờ đó, đến nay hệ thống giáo dục của huyện phát triển đồng bộ từ khối trường mầm non, tiểu học đến THPT, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Hệ thống trường học và thiết bị phục vụ giảng dạy được đầu tư nâng cấp, xóa bỏ toàn bộ phòng học tạm, phòng học cấp bốn dột nát. Đến nay, toàn huyện đã có 64/88 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học đạt chuẩn. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng, tính đến hết năm 2018, toàn huyện có 60.285/70.101 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 86%, 147/165 làng đạt danh hiệu làng văn hóa và 159/198 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.
Hướng đi thời gian tớiTrưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín Nguyễn Duy Hiển cho biết: Thời gian qua, hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ SX luôn được huyện ưu tiên đầu tư nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống lũ, tiêu thoát nước. Nổi bật là hệ thống đường trục liên xã, liên thôn, xóm đã được đầu tư xây dựng đạt gần 95%, hiện không còn đường lầy lội vào mùa mưa.
Phấn khởi nói về kết quả đạt được trong những năm qua, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy chia sẻ, nhờ có sự đoàn kết thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, giai đoạn, cùng với đó là sự đồng thuận của Nhân dân, những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thường Tín luôn ổn định, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao…
“Thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tạo nguồn lực để tái đầu tư phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy, phát triển văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng thực hiện quy ước xây dựng NTM. Đồng thời, phát triển nông nghiệp theo hướng SX hàng hóa thành vùng chuyên canh tập trung; mở rộng việc liên kết đưa ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào SX. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, năng lực tốt nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hiện nay” - ông Huy khẳng định.