Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Lan tỏa cảm hứng từ các nữ doanh nhân

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ gan dạ, bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà trong hòa bình, xây dựng đất nước, người phụ nữ Việt Nam cũng được biết đến với nhiều đức tính quý báu: Năng động, uyển chuyển nhưng chắc chắn, cẩn trọng; mềm dẻo, giỏi chịu đựng để đi đến thành công.

Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên kiểm tra dây chuyền sản xuất sữa của nhà máy. Ảnh: Minh Tuấn
Có không ít người là những doanh nhân được biết đến bởi bản lĩnh, là nguồn động lực lan tỏa đến mọi người xung quanh. Nhân dịp ngày 8/3 năm nay, xin giới thiệu một vài chân dung bóng hồng quyền lực của nước nhà.
1 trong 4 tỷ phú đô la của Việt Nam - CEO VietJet Air
4 tỷ phú của Việt Nam có mặt trong danh sách những tỷ phú thế giới năm 2018 mà Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố tiếp tục ghi danh CEO VietJet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo với tài sản trị giá khoảng 3,3 tỷ USD (xếp thứ 728- tính tới 31/1/2018).

VietJet Air được thành lập năm 2011. Đến nay, doanh thu của VietJet Air đạt 27.500 tỷ đồng với 78 đường bay nội địa và quốc tế, phục vụ 17 triệu hành khách/năm. Thậm chí, Vietjet Air được coi là hiện tượng phát triển nhanh đáng nể của ngành hàng không châu Á khi vận hành những thế hệ tàu bay mới nhất...

Mặc dù là nữ doanh nhân bước vào thương trường và thành công sớm nhưng bà được biết đến là người đam mê sự nghiệp học hành, nghiên cứu khoa học với tấm bằng của 3 trường đại học danh giá chuyên ngành Tài chính, Tín dụng, Ngân hàng; Kinh tế; Nghệ thuật hiện đại và trở thành Tiến sĩ kinh tế khi mới 27 tuổi.
CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nhắc tới bà Phương Thảo, giới ngân hàng thường nói tới hai thương vụ M&A đình đám: Sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua công ty Tài chính SGVF từ Ngân hàng Société Générale (Pháp) rồi liên doanh với đối tác Nhật thành HD SAISON. Giờ đây, HD SAISON hiện là “con gà đẻ trứng vàng” với sự phát triển vượt bậc về quy mô, mạng lưới, khách hàng, dư nợ cho vay... HDBank là một trong top 8 những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, theo đánh giá của tạp chí The Asian Banker, phát triển với tốc độ cao, liên tục nhưng ổn định, nợ xấu ở mức thấp nhất toàn ngành, các chỉ số về thước đo tính hiệu quả đạt tỷ lệ cao.

Thành công sớm, song bà Phương Thảo rất kín tiếng. Không nhiều người biết bà là một banker giỏi và trẻ nhất Việt Nam tham gia sáng lập và quản trị những ngân hàng tư nhân đầu tiên là Techcombank và VIB.

“Nữ soái” sáng giá trên thương trường

Dù không phải ở thứ hạng cao nhất nhưng sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến người phụ nữ nổi tiếng trên thương trường từ khá sớm, đó là bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Bà được coi là "nữ soái" sáng giá trên thương trường hiện nay. Dù chưa có tài sản hàng ngàn tỷ nhưng bà là một doanh nhân quyền lực được nhiều người nể phục. Bà từng là 1 trong 2 người Việt Nam lọt Top 50 Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn.
Tổng Giám đốc Công ty Vinamilk Mai Kiều Liên.
Khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa từ năm 1976 rồi trưởng thành qua nhiều cương vị khác nhau, bà Mai Kiều Liên đã có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Vinamilk có được vị thế như hiện nay với mức vốn hóa lên tới 8,6 tỷ USD, doanh thu khoảng 46.800 tỷ đồng/năm. Bà là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII.

Nữ doanh nhân với ý tưởng TP thông minh

Ít được biết đến do bà là một ẩn số đặc biệt trong số những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam hiện nay nhưng doanh nhân Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng SeaBank, Chủ tịch Tập đoàn BRG, một tập đoàn chuyên về đầu tư bất động sản, sân golf và sở hữu chuỗi khách sạn cao cấp của Hà Nội như Hillton Opera, Thắng Lợi... được giới kinh doanh xếp là một trong số nữ doanh nhân đứng đầu Việt Nam về tài sản. Bà từng là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ) do Quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, quỹ dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Vừa qua, một sự kiện lớn đáng chú ý, đó là Tập đoàn Sumitomo cùng với một số ông lớn khác như Mitsubishi, Toyota của Nhật cùng với Tập đoàn BRG đã có những cam kết hợp tác xây dựng một TP thông minh tại phía Bắc Hà Nội với tổng giá trị lên tới hơn 37 tỷ USD ngay trong năm 2018 này. Đây dự kiến sẽ là dự án đô thị lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Nó được nhận định sẽ thu hút một dòng tiền khổng lồ giúp Việt Nam thông qua một DN tư nhân để thúc đẩy và phát triển kinh tế.
Chủ tịch Ngân hàng SeaBank, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.
Những “bóng hồng” của Vingroup

Với tổng tài sản nắm giữ lên tới hơn 16.094 tỷ đồng, hai “bóng hồng” của Vingroup, bà Phạm Thu Hương, phu nhân Chủ tịch HĐQT Vingroup và em gái bà, Phạm Thu Hằng đang giữ vị trí thứ hai và ba trong số những phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Hiện hai chị em bà Hương đang cùng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch của Tập đoàn Vingroup. Họ cũng là những ẩn số về tài kinh doanh mà ít người biết bởi như trường hợp của bà Phạm Thu Hương, phu nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng (với tổng tài sản lên đến 4,3 tỷ USD - theo Tạp chí Forbes vừa công bố) khiến bà Hương có thể phần nào bị che khuất. Chỉ có điều, thử hỏi, trong sự thành công của người đàn ông nào mà chẳng có bóng dáng của người phụ nữ?

Vừa qua, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 13 đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Theo đó, Đảng và Nhà nước đánh giá KTTT là động lực quan trọng cho phát triển. Điều này cũng mở ra cho KTTN nhiều "đất" thể hiện hơn và những gương mặt doanh nhân nữ sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.