Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm về những lần bị rượt đuổi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Báo chí là nghề đôi khi phải đối mặt với hiểm nguy, nhất là đối với những người làm mảng phóng sự, phóng sự điều tra. Trong quãng đời hành nghề của mình, nhiều lần tôi bị rượt đuổi khi viết về những hiện tượng tiêu cực, những cái xấu trong xã hội.

 Tháng 7/2011, tôi viết về hiện tượng "cò mồi" tại các bệnh viện ở Hà Nội. Đây là hiện tượng phổ biến từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, truy quét nhưng chưa bao giờ… "sạch". Nhiều bệnh viện vẫn bị bao vây, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự. Viết về "cò mồi", tất nhiên sẽ động chạm đến quyền lợi của các đối tượng hành nghề này, vậy nên phải hết sức cẩn thận kẻo bị… ăn đòn. Nghe nói, trước đây đã có một phóng viên bị vài đối tượng "cò mồi" ở cổng Bệnh viện Mắt T.Ư hành hung. Vậy nên, khi đến đây tác nghiệp, dù quan sát hay chụp ảnh, tôi đều thận trọng và đề phòng. Hỏi chuyện một số cán bộ ở bệnh viện, tôi được biết các đối tượng "cò mồi" còn hành hung bảo vệ, thậm chí nhắn tin "khủng bố" các y, bác sĩ lên tiếng nhắc nhở. Một người bán nước ở khu vực còn cho biết, các đối tượng "cò mồi" ở đây quan hệ với nhiều đối tượng xã hội, có chốn “dựa dẫm” nên không sợ ai, luôn phô trương thanh thế và sẵn sàng "dằn mặt" bất cứ người nào dám cản trở chúng.
 
 
Kỷ niệm về những lần bị rượt đuổi - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.
 
 
Để lấy được thông tin, tôi đóng giả làm một người bệnh và sẵn sàng "cắn câu" họ. Nhưng, để chụp được tấm ảnh rõ mặt, cận cảnh mà không bị phát hiện cũng là một vấn đề. Khi đã có thông tin, tôi tìm một góc khuất, phía sau những người bán nước hòng kiếm tấm ảnh cận cảnh các "cò mồi" đang hoạt động nhộn nhịp tại cổng Bệnh viện Mắt T.Ư. Vừa đưa máy lên, chưa kịp bấm thì bị phát hiện. Một nhóm "cò mồi" đuổi theo, trong đó có cả mấy gã đàn ông bật dậy từ quán nước vỉa hè (chắc là đồng bọn). Tôi co chân, lấy hết sức mà chạy, đến hồ Thiền Quang vẫn thấy mấy đối tượng bám theo mình. Tôi chạy tắt qua phố Yết Kiêu, rẽ vào một phố nhỏ rồi băng qua phố Khâm Thiên và thoát thân ở ngõ chợ Khâm Thiên. Cũng may hôm đó tôi không mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh nên dễ dàng di chuyển. Đợt thực hiện phóng sự đó, tôi mất gần hai tuần để lang thang, tìm hiểu tại nhiều bệnh viện. Khi có đủ thông tin tư liệu cần thiết, tôi viết bài đăng hai kỳ. được bạn đọc hoan nghênh.
 
Lần khác, trong đợt làm loạt phóng sự về các làng nghề ô nhiễm ở Bắc Ninh, tôi đã "tấn công" và chỉ mặt những doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Phong Khê (TP Bắc Ninh) chuyên tái chế giấy và xả thải chất thải, nước thải ra đồng ruộng, sông Ngũ Huyện Khê mà không có bất cứ công đoạn xử lý nào. Đó là vấn đề báo chí quan tâm phản ánh trong nhiều năm trời, và trước đó 5 năm, tôi cũng từng "nhúng bút" vào. Có điều là, dù Chi cục Vệ sinh môi trường tỉnh đã ra quyết định xử phạt nhưng họ không chấp hành nộp vì hành vi gây ô nhiễm. Mọi phản ánh của báo chí đều ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, đến túi cơm của những ông chủ coi thường môi trường và mạng sống của người dân. Thế nên, một chủ doanh nghiệp khi phát hiện tôi đột nhập vào khu đầm ao ô nhiễm, với những ống xả thải trực tiếp chưa qua xử lý liền gọi điện cho vài đối tượng chặn đầu, đồng thời kêu những công nhân đang làm trong xưởng cầm gậy đuổi đánh tôi. Cũng là một tình thế tôi đã lường trước, bởi có người dân cảnh báo là chủ doanh nghiệp đang cay cú báo chí, rất dễ dở trò. Nên trước khi hành động, tôi dùng chiếc máy ảnh nhỏ gọn, và tính đường rút từ hôm trước để không bị thiệt thân.
 
Tháng 12/2012, tôi cũng có đợt tìm hiểu viết phóng sự về tình trạng phá rừng, khai thác quặng trái phép ở Phú Ninh, Quảng Nam. Chuyến đi không chỉ có mình tôi, mà cùng với hai đồng nghiệp khác. Ai cũng nhận ra rằng, nếu để những kẻ đó nhìn thấy máy quay, máy ảnh thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Thứ nhất vì họ đông, thứ hai họ thuộc rừng núi hơn mình. Thứ ba nhà báo làm ảnh hưởng đến công việc của họ. Nếu bị "tóm", chúng sẽ "tẩn" nhừ tử. Dẫu khá run, nhưng với quyết tâm thực hiện cho bằng được loạt bài viết về những kẻ tàn phá màu xanh của rừng đầu nguồn, nên ba anh em đã ngụy trang máy ảnh, máy quay cho tốt, đồng thời tìm một vị trí an toàn, tiện đường rút lui nếu chẳng may bị chúng phát hiện. Theo sự phân công, một người sẽ trèo lên cây theo dõi những người đào vàng, nếu thấy nghi ngờ thì báo cho hai người còn lại. Chúng tôi phối hợp ăn ý, xong việc, đang chuẩn bị quay ra thì phát hiện có tiếng người đuổi theo phía sau. Thế là chúng tôi co chân chạy thật nhanh. Tối hôm đó về đến trung tâm xã, ai cũng mỏi nhừ, thở phào vì… không gặp nạn.
 
Bài viết về "cò mồi" đã đăng hai kỳ và cho đến khi báo in, tôi vẫn có cảm giác các đối tượng rượt đuổi tôi hôm đó sẽ lại "lùng" ra mình. Loạt bài về môi trường hay nạn khai thác vàng, phá rừng cũng là những phóng sự thành công. Kỷ niệm về những lần bị rượt đuổi đó sẽ theo tôi mãi, trong mỗi lần tác nghiệp, để có thêm bài học kinh nghiệm thoát khỏi những hiểm nguy...